Hàng Việt “mò mẫm” vào thị trường ASEAN

(BĐT) - Hiện ASEAN là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, song trong 10 tháng đầu năm, lượng hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN chỉ đạt 14,2 tỷ USD, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, chúng ta lại nhập khẩu từ thị trường này tới 19,1 tỷ USD.
Doanh nghiệp Việt phải đứng vững trên sân nhà trước khi thâm nhập vào thị trường ASEAN. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp Việt phải đứng vững trên sân nhà trước khi thâm nhập vào thị trường ASEAN. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều cơ hội từ thị trường lớn

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, sau 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng trưởng từ 3,3 tỷ USD năm 1995 lên 42,1 tỷ USD năm 2015 (tăng 13 lần). Về xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN, tốc độ tăng trưởng bình quân thời gian qua đạt 17,1%, đưa kim ngạch xuất khẩu từ gần 1 tỷ USD năm 1995 lên 18,3 tỷ USD năm 2015 (tăng hơn 18 lần). Năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập với quy mô dân số hơn 600 triệu dân và tổng GDP hàng năm gần 2.000 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một thị trường rộng lớn có nhiều cơ hội cho DN xuất khẩu của Việt Nam.

 Để làm rõ cơ hội cho DN Việt Nam tại thị trường ASEAN, tại Hội thảo Xúc tiến thương mại sang thị trường châu Á với chủ đề: “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu sang thị trường các nước ASEAN”, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương cho biết, DN xuất khẩu Việt Nam có cơ hội đưa hàng hóa thâm nhập nhiều hơn vào thị trường các nước ASEAN. Tham gia vào thị trường này, DN còn có cơ hội để chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Một số lĩnh vực mà DN xuất khẩu Việt Nam có nhiều cơ hội là dệt may, da giầy, phân bón…

Song, bên cạnh cơ hội, ông Hưng nhìn nhận, ASEAN cũng là một thị trường có áp lực cạnh tranh rất lớn. Đơn cử như đối với ngành dệt may, mặc dù có quy mô ngành tương đối lớn so với các đối thủ chính (Thái Lan, Indonesia), nhưng các DN ngành dệt may của Việt Nam vẫn chưa làm chủ được nguồn nguyên liệu, tỷ lệ nội địa hóa hạn chế. Còn mặt hàng phân bón cũng có lợi thế xuất khẩu nhiều hơn vào các thị trường ASEAN, dù vậy các DN phân bón cũng đang phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt và “vấn nạn” hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Doanh nghiệp vẫn loay hoay “mò mẫm”

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, sau 10 năm, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN tăng trưởng từ 3,3 tỷ USD năm 1995 lên 42,1 tỷ USD năm 2015
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Minh Hòa, Tổng công ty Thiết bị Đông Anh cho biết: “Dù đơn vị là một DN lớn, có uy tín trên thị trường, nhưng chúng tôi vẫn khó khăn trong việc tiếp cận thị trường các nước ASEAN”. Theo ông Hòa, lý do chính là hiện DN xuất khẩu Việt Nam rất “đói” thông tin phục vụ cho quá trình thâm nhập thị trường như: danh sách khách hàng, đối thủ cạnh tranh… Đồng quan điểm, đại diện một DN dệt may than thở: “Trên các trang mạng, thông tin về thị trường các nước ASEAN vẫn rất chung chung. Chúng tôi cần những thông tin chính thống và đầy đủ từ Bộ Công Thương về thị trường này để không phải mò mẫm”. Một số DN khác cho biết, khi liên hệ với cơ quan tham tán thì các cán bộ phụ trách lại rất bận, không có nhiều thời gian để kết nối, chuẩn bị thông tin hỗ trợ DN.

Một số DN đề xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương cần có giải pháp để hỗ trợ DN tránh được những rủi ro trong thanh toán xuất khẩu. Trả lời về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Hưng lưu ý, để tránh rủi ro thanh toán thì trước khi ký kết hợp đồng, DN phải tìm hiểu kỹ đối tác. Bên cạnh đó, DN phải nâng cao kiến thức, kỹ năng, trong đó có pháp luật, để thực hiện các giao dịch hợp đồng xuất khẩu.

Ông Hưng cũng cho rằng, trước hết các DN xuất khẩu phải đứng vững trên sân nhà. Theo hướng này, DN cần phải tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; xây dựng thương hiệu dựa trên chất lượng và giá trị gia tăng; xây dựng kênh phân phối tại thị trường xuất khẩu...

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, trong thời gian tới, những thông tin chính thức về thị trường các nước ASEAN sẽ được Bộ đăng tải trên các địa chỉ website của Bộ Công Thương. Cục Thương mại điện tử của Bộ cũng đã có hẳn một kênh thông tin tổng quan về các thị trường cũng như biểu thuế xuất nhập khẩu để DN có thể liên hệ tìm hiểu thông tin.

Tin cùng chuyên mục