Hapro: Thách thức của nhà đầu tư sau IPO

Dựa trên các chỉ số tài chính, cũng như cơ cấu cổ đông của Hapro sau cổ phần hóa, giới phân tích cho rằng, cơ hội kiếm lợi nhuận hay lướt sóng ngắn hạn với cổ phiếu Harpo hầu như bằng không.
Hapro: Thách thức của nhà đầu tư sau IPO

Ngày 30/3 tới, Tổng công ty thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ tổ chức đấu giá lần đầu (IPO) gần 76 triệu cổ phần.

Được biết đến như một doanh nghiệp đầu ngành của Hà Nội những năm trước đây, nhưng dựa trên các chỉ số tài chính, cũng như cơ cấu cổ đông của Hapro sau cổ phần hóa, giới phân tích cho rằng, cơ hội kiếm lợi nhuận hay lướt sóng ngắn hạn với cổ phiếu Harpo hầu như bằng không.

Chính vì vậy, làm sau để vực dậy doanh nghiệp này hậu cổ phần hóa là bài toán khá đau đầu của các nhà đầu tư.

Chưa chiếm được vị thế dẫn đầu trong những lĩnh vực cốt lõi

Theo bản công bố thông tin của Hapro, sau cổ phần hóa, doanh nghiệp có vốn điều lệ 2.200 tỷ đồng, cổ phần đấu giá chiếm tỷ lệ 34,51% vốn điều lệ của Hapro, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là Vinamco chiếm 65% vốn điều lệ.

Hapro đăng ký tới 66 ngành nghề kinh doanh nhưng được biết đến nhiều nhất ở ngành bán lẻ, xuất nhập khẩu hàng nông sản. Trong những ngành được coi là cốt lõi, Hapro chưa đạt vị thế đầu ngành ở bất cứ lĩnh vực nào và những ngành nghề này đang bị cạnh tranh dữ dội. Hệ thống cửa hàng chuyên doanh, bán lẻ của Hapro hầu như ít được thị trường chú ý, độ phủ thấp chủ yếu dựa vào lợi thế vị trí các cửa hàng được thuê đất từ thời bao cấp để lại.

Năng lực quản trị và vận hành của Hapro là khá yếu thể hiện ở việc doanh thu các năm gần đây liên tục giảm, đơn cử năm 2016 tiền thu từ bán hàng, và cung cấp dịch vụ thấp hơn 500 tỷ đồng so với năm 2015, trước đó năm 2015 đã giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2014.

Bức tranh tài chính không mấy sáng sủa

Lợi nhuận của Hapro cũng ở mức rất thấp, trong 5 năm gần đây, cao nhất chỉ đạt được 40 tỷ đồng/năm. Năm gần nhất là 2017 đạt vỏn vẹn 13,42 tỷ đồng. Nếu tính trên vốn điều lệ là 2.200 tỷ đồng, thì thu nhập trên mỗi cổ phần của doanh nghiệp chỉ đạt 59 đồng.

Ở mức giá bán khởi điểm trong đợt đấu giá cổ phần tới đây là 12.800 đồng/cổ phần, PE của cổ phiếu Hapro lên tới 216 lần, tức là đắt hơn 10 lần so với mức PE trung bình của TTCK Việt Nam.

Các chỉ số thanh khoản tức thời và thanh khoản của Hapro ở mức không hấp dẫn. Cụ thể, báo cáo tài chính 2017 của Công ty cho thấy, tiền mặt và các khoản tương đương tiền  chỉ bằng 1/3 so với các món nợ đến hạn trong vòng 12 tháng, tỷ lệ này cho thấy doanh nghiệp có nhiều thách thức trong việc trả các khoản nợ sắp đến hạn.

Như vậy, các chỉ số ROA, ROE và chỉ số tài chính của Hapro cho thấy bức tranh không mấy lạc quan về sức khỏe doanh nghiệp cho dù theo kế hoạch sau cổ phần hóa, doanh nghiệp sẽ nỗ lực để tăng trưởng lợi nhuận gấp 5 lần so với trước cổ phần hóa. Lưu ý là những cơ sở để mục tiêu này khả thi không được diễn giải trong bản công bố thông tin, trong bối cảnh doanh thu của Hapro liên tục đi lùi trong những năm qua.

Lợi thế đất đai: Không quá hấp dẫn

Hapro được cho là có tiềm năng khi quản lý, sử dụng và đầu tư vào nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố lớn. Tuy nhiên, soi kỹ bản cáo bạch thì thấy những ô đất này đều có diện tích nhỏ.

Đơn cử như Dự án Trung tâm Thương mại, văn phòng (cao 9 tầng tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội) hợp tác với Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI có diện tích đất 1.624 m2; Khu đất 38-40 Lê Thái Tổ, Hà Nội với diện tích 572 m2 đang chờ quyết định nhận chuyển nhượng của Thành phố; Khu đất 362 phố Huế với diện tích 618 m2…

Cũng theo bản công bố thông tin trên, các lô đất giao cho công ty thuê đều được quy hoạch tiếp tục sử dụng làm cửa hàng thương mại, logistic… Trước đó, thành phố đã thu hồi 63 khu đất của Hapro, trong đó có những khu đất lớn như ở Long Biên có diện tích khoảng 23 ha.

Diện tích nhỏ thì khó có thể triển khai chuyển đổi thành các dự án bất động sản. Soi chiếu vào khung giá đất và các quy định hiện hành, nếu nhà đầu tư nào kỳ vọng Hapro sau cổ phần hóa có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành chung cư, khách sạn… thì càng “khó nhằn” vì nghĩa vụ ngân sách là rất cao, khó có nhà đầu tư nào có thể kham nổi.

Tất nhiên, rất có thể nhà đầu tư chiến lược sẽ là át chủ bài thay đổi quản trị và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai khi họ xác định đi đường dài.

Có lẽ vậy mà việc những nhà đầu tư nhỏ lẻ có nên đầu tư vào Hapro hay không phụ thuộc nhiều vào Vinamco, một doanh nghiệp có tiềm năng tài chính mạnh hiện đang muốn cộng hưởng cùng Hapro để phát triển mảng bán lẻ và xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục