Tại nhiều cuộc bán đấu giá, việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản phụ thuộc chủ yếu vào mức chào phí thù lao. Ảnh: Oanh Võ |
Theo một số chuyên gia đấu giá, các quy định của Luật ĐGTS vẫn còn nhiều điểm cần được sửa đổi, hướng dẫn cụ thể hơn để đảm bảo minh bạch trong hoạt động ĐGTS, trong đó có việc cụ thể hóa các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS.
Thời gian qua, do Luật ĐGTS không quy định cụ thể, nhiều chủ tài sản đưa ra các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS khá chung chung, dẫn đến nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau. Do không có quy định cụ thể/mẫu hướng dẫn xây dựng thang điểm đánh giá cụ thể cho từng tiêu chí nên việc lựa chọn tổ chức ĐGTS phụ thuộc nhiều vào việc đơn vị nào chào mức phí thù lao thấp thì được lựa chọn; tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và phương án bán đấu giá… bị xem nhẹ.
Đơn cử, tại một phiên bán đấu giá cây cao su thanh lý đợt 1 để tái canh năm 2019 của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS được đưa ra rất chung chung, hầu như tổ chức ĐGTS nào cũng đáp ứng được. Sau đó, tổ chức ĐGTS chào phí thù lao thấp nhất (0 đồng + 0,7% giá bán vượt) đã được lựa chọn. Với giá khởi điểm của tài sản là 66 tỷ đồng, kết quả bán đấu giá chỉ chênh 50 triệu đồng so với giá khởi điểm. Hiệu quả sau bán đấu giá thấp, thù lao của tổ chức ĐGTS được nhận về chỉ là 350 nghìn đồng, không đủ bù đắp chi phí thực hiện đấu giá. Thực tế cũng ghi nhận nhiều cuộc bán đấu giá có mức thù lao thực hiện ĐGTS chỉ 1 triệu đồng, không đủ bù đắp chi phí; hiệu quả sau bán đấu giá không cao như kỳ vọng.
Theo một số chuyên gia đấu giá, các văn bản pháp lý cụ thể hóa quy định của Luật ĐGTS được ban hành chậm hoặc chưa bám sát thực tiễn. Thông tư số 45/2017/TT-BTC và Thông tư số 48/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ tài chính trong ĐGTS ban hành từ năm 2017 đang bộc lộ khá nhiều bất cập, nhận được nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi. Điều này dẫn đến công tác lựa chọn tổ chức ĐGTS, thông báo công khai việc ĐGTS trong thời gian qua nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn sự thiếu minh bạch.
Đơn cử, Công ty CP Cao su Tân Biên khi lựa chọn tổ chức ĐGTS là cây cao su thanh lý đã đưa ra 2 khung tiêu chí (bắt buộc và chấm điểm). Tại bảng tiêu chí chấm điểm, Công ty đã phân chia các thang điểm nhỏ đối với từng tiêu chí, kể cả tiêu chí phí thù lao. Theo đó, mức điểm từ phí thù lao chỉ là một điểm thành phần trong tổng thang điểm 100 mà tổ chức ĐGTS được đánh giá. Do đó, nếu tổ chức ĐGTS chào giá thấp nhưng các tiêu chí khác (số lượng đấu giá viên, cơ sở vật chất, năng lực kinh nghiệm) đạt điểm thấp thì sẽ không được lựa chọn.
Với cách lựa chọn tổ chức ĐGTS như vậy, nhiều phiên ĐGTS của doanh nghiệp này thu được kết quả tích cực. Tại phiên bán đấu giá 135,6 ha cây cao su thanh lý của Cao su Tân Biên vào cuối năm 2018, giá khởi điểm là 56,7 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 72,6 tỷ đồng, vượt gần 16 tỷ đồng (28%) so với giá khởi điểm, mang lại hiệu quả cao trong ĐGTS.
Theo một chuyên gia đấu giá, khi các tiêu chí chấm điểm rõ ràng thì việc lựa chọn tổ chức ĐGTS cũng minh bạch hơn. Khi đó, năng lực của tổ chức ĐGTS được lựa chọn sẽ thực chất hơn, kinh nghiệm tốt hơn, góp phần mang lại hiệu quả cao hơn cho phiên ĐGTS.
Nhìn vào các quy định pháp lý của Luật ĐGTS, đấu giá viên Lê Anh Linh cho rằng, vẫn còn nhiều điểm cần được sửa đổi và hướng dẫn cụ thể hơn nữa để việc thực hiện lựa chọn tổ chức ĐGTS minh bạch hơn. Theo đó, cần pháp lý hóa các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS tại các văn bản dưới Luật, nghị định theo hướng xây dựng theo các thang điểm đánh giá chi tiết, cụ thể để lựa chọn được tổ chức ĐGTS có năng lực tốt, thực hiện bán đấu giá đạt hiệu quả tài chính cao. Bên cạnh đó, các phiên ĐGTS cũng cần công khai kết quả đấu giá để có cơ sở đánh giá hiệu quả bán đấu giá của tổ chức ĐGTS.