Dòng vốn từ EU sẽ có sự chuyển dịch vào Việt Nam và xu hướng đầu tư chính là năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp, sản xuất thực phẩm... |
Các thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong vòng 18 năm (2000 - 2018), kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đã tăng hơn 13 lần, từ khoảng 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 55,84 tỷ USD vào năm 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,9 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 13,9 tỷ USD.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Miriam Garcia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá, thời gian qua thặng dư thương mại hai bên rất lớn nhưng chắc chắn sắp tới sẽ chuyển đổi thành các lợi ích chất lượng hơn nhờ hiệu ứng tích cực từ EVFTA. Tuy nhiên, để hưởng các lợi thế về thuế quan cũng như gia tăng xuất khẩu vào EU, các doanh nghiệp của Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng hóa và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của EU.
Bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, ông Jean Jaques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho rằng, dòng vốn từ EU sẽ có sự chuyển dịch vào Việt Nam và xu hướng đầu tư chính là năng lượng sạch, kinh doanh nông nghiệp sản xuất thực phẩm... Các doanh nghiệp châu Âu cũng có xu hướng liên kết xây dựng chuỗi sản xuất với các doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, muốn tận dụng được cơ hội này, doanh nghiệp Việt phải chủ động đổi mới cả phương thức sản xuất và tư duy quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn và xu hướng phát triển của doanh nghiệp châu Âu.