Người Thái thâu tóm 34% cổ phần tại nhà máy nước sông Đuống. |
Bao nhiêu “gà đẻ trứng vàng” đã bị người Thái thâu tóm?
Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa thông báo những thay đổi về nhân sự điều hành tại Công ty CP Nước mặt Sông Đuống – đơn vị chủ sở hữu Nhà máy nước Sông Đuống.
Theo đó tại lần thay đổi mới nhất này, Hội đồng quản trị Công ty Nước mặt Sông Đuống có sự tham gia áp đảo nhân sự người Thái.
Những thay đổi mới này diễn ra sau khi Nhà máy nước mặt quy mô 5.000 tỷ đồng công bố bán cổ phần cho công ty của Thái Lan và bà Đỗ Thị Kim Liên rời ghế tổng giám đốc.
Hiện tại, vốn điều lệ của Công ty CP Nước mặt Sông Đuống đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED là tổ chức nước ngoài nắm giữ 34% vốn.
Theo tìm hiểu, WHAUP là thành viên Tập đoàn WHA - Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc là bà Jareeporn Jarukornsakul.
Trước nhà máy nước sông Đuống – với sản phẩm đầu ra là nhu cầu thiết yếu phục vụ cho hàng triệu người dân Thủ đô – thì nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác được ví như “gà đẻ trứng vàng" của Việt Nam cũng “rơi” vào tay người Thái như Nhựa Bình Minh, Sabeco.
Nước mặt sông Đuống; Bia Sài Gòn; Nhựa Bình Minh chỉ là 3 trong nhiều doanh nghiệp Việt đã bị người Thái thâu tóm.
Điều này dấy lên lo ngại về tình trạng doanh nghiệp Việt bị lấn lướt, mất thị phần, miếng bánh ngon đã bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm.
“Khẩu vị" người Thái
Lo ngại, thậm chí “tiếc nuối" là không vô lý khi nhìn lại các doanh nghiệp bị thâu tóm. Rất nhiều doanh nghiệp trong số này là những thương hiệu đình đám trong ngành, nắm lợi thế lớn, địa bàn kinh doanh rộng, khả năng sinh lợi cao.
Năm 2017, việc “đại gia” Thái chi lượng tiền lớn “thâu tóm” Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco thu hút sự chú ý của dư luận. Tình hình sản xuất kinh doanh đến hết tháng 9/2019 trong báo cáo được công bố cho thấy, Sabeco lãi kỷ lục sau hơn một năm về tay người Thái.
Quay trở lại với việc mua lại cổ phần của nhà máy nước sông Đuống, doanh nghiệp này cùng với sản phẩm đầu ra gần như không phải lo nghĩ chuyện "thị trường".
Nói với Dân trí, PGS Trần Văn Bình, Viện Kinh tế và Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh: Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân nên vấn đề tiêu thụ luôn sẵn sàng, người dân cũng không có nhiều chọn lựa. Vì vậy, lợi nhuận của ngành này luôn ổn định, thậm chí tăng trưởng rất lớn.
Chưa kể, gắn với nhà máy nước sông Đuống hiện nay là câu chuyện “giá nước cao ngất ngưởng”. Hiện nhà máy nước mặt Sông Đuống là một trong hai đơn vị cung cấp nước lớn nhất hiện nay cho Hà Nội.
Trong khi giá nước Sông Đà - một đơn vị khác cung cấp nước cho Hà Nội rơi vào khoảng hơn 5.000 đồng/m3 và đang có lãi lớn thì giá nước Sông Đuống được duyệt là 10.246 đồng/m3.
Rõ ràng với lợi thế đầu ra cũng như mức giá “hấp dẫn" như vậy, việc rót tiền vào nhà máy nước sông Đuống là lựa chọn được coi là vô cùng tiềm năng của người Thái.
Trao đổi với Dân trí, TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện kinh tế và chính trị thế giới nhận xét: Đích nhắm đến của nhà đầu tư Thái là những doanh nghiệp đầu ngành, có tiềm năng phát triển vô cùng lớn, có uy thế. Một loạt các doanh nghiệp rất tốt ở Việt Nam rơi vào tay người Thái được vị chuyên gia này nhìn nhận như là “chiến dịch" thâu tóm. Theo đó, những nhà quản lý của Việt Nam nên xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.
“Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, mặt bằng lãi suất cao, chi phí logistic cũng thuộc hàng cao của thế giới… Chưa kể còn cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp sân sau. Thử hỏi, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam muốn tự đứng trên đôi chân mình, tự phát triển được đâu có dễ", ông Sơn nói.
Theo vị này, không ít doanh nghiệp Việt lập ra, gây dựng rồi chỉ chờ nước ngoài vào hỏi mua là bán. Họ chấp nhận cầm một cục tiền thật to để đỡ lo cho một chặng đường dài kinh doanh phía trước. Tư duy ngắn hạn đó theo ông Sơn, một phần xuất phát do môi trường kinh doanh còn rào cản, làm gì cũng khó.
Trong khi đó, ông Sơn cho biết, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam họ rất nhiều lợi thế, tiềm lực họ rất mạnh. Đồng thời họ dựa vào luật quốc tế nên cũng không “ngại" nhiều chuyện rào cản.
“Đáng lẽ nên cố gắng ưu tiên hàng đầu để chọn doanh nghiệp Việt, cho doanh nghiệp Việt cơ hội để phát triển", vị chuyên gia tiếc nuối.
Nhiều chuyên gia cùng nhận định: nguyên tắc đầu tư của nhà đầu tư Thái Lan thường là ưu tiên mua cổ phần kiểm soát để có tiếng nói quan trọng trong hoạch định chiến lược.
Trong vài năm trở lại đây, giá trị mua cổ phần của nhà đầu tư Thái lan vào các doanh nghiệp Việt liên tục tăng trưởng mạnh. Theo thống kê, riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam của người Thái đạt 3,55 tỷ USD, tăng 155% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2017, tổng giá trị hoạt động mua cổ phần của nhà đầu tư Thái vào doanh nghiệp Việt đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 175% so với năm 2016 (sự tăng trưởng đột biến này là do có thương vụ Thaibev mua cổ phần chi phối tại Sabeco với trị giá 4,8 tỷ USD).