Cao tốc Bắc Nam có điểm đầu tại nút giao Cao Bồ (Nam Định) điểm cuối tại nút giao Dầu Giây (Đồng Nai). Ảnh: Tất Tiên |
Phân kỳ thành 2 giai đoạn đầu tư
Với tổng mức đầu tư lên tới 312.435 tỷ đồng, Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia. Dự án đi qua 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kéo dài từ tỉnh Nam Định đến tỉnh Đồng Nai. Điểm đầu Dự án tại nút giao Cao Bồ (điểm cuối đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) thuộc địa phận huyện Ý Yên, Nam Định; điểm cuối Dự án tại nút giao Dầu Giây (điểm cuối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), thuộc địa phận huyện Thống Nhất - Đồng Nai. Dự án có chiều dài khoảng 1.372 km (không bao gồm đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 127 km đang được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc).
Theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cơ quan lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) thì Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn phân kỳ (thông tuyến trước năm 2025) và giai đoạn hoàn thiện (sau năm 2025). Ở giai đoạn phân kỳ, Dự án cần khoảng 243.312 tỷ đồng, bao gồm 99.456 tỷ đồng vốn nhà nước; 22.825 tỷ đồng nguồn vốn BT trả bằng ngân sách nhà nước và khoảng 121.031 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư huy động. Trong số 99.456 tỷ đồng vốn nhà nước sẽ có 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ; 44.456 tỷ đồng vốn nhà nước cân đối trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Đối với nguồn vốn BT trả bằng ngân sách nhà nước, ngoài việc cân đối 11.500 tỷ đồng, dự kiến sẽ bố trí 11.325 tỷ đồng trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thanh toán cho nhà đầu tư đoạn Cam Lộ - Sơn La theo hình thức hợp đồng BT. Hiện tại, khoảng 69.123 tỷ đồng vốn đầu tư cho giai đoạn hoàn thiện Dự án vẫn chưa dự kiến phương án huy động vốn.
Về hình thức đầu tư của Dự án, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn sẽ đầu tư theo hình thức đầu tư công truyền thống, các đoạn còn lại theo hình thức đối tác công tư (PPP). Về loại hợp đồng thì đoạn Cam Lộ - La Sơn và đoạn La Sơn - Túy Loan theo hình thức BT, các đoạn còn lại theo hình thức hợp đồng BOT.
Bộ GTVT hoàn chỉnh Báo cáo NCTKT
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của HĐTĐ, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án sau khi bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến thẩm định của Hội đồng. Một ý kiến đề nghị Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án theo nội dung Bộ GTVT đã trình và giải trình, việc bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến HĐTĐ kiến nghị xem xét ở bước tiếp theo.
HĐTĐ cũng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo NCTKT theo ý kiến của các bộ, ngành trung ương, địa phương và ý kiến của HĐTĐ; đồng thời chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư công để đủ điều kiện báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp không đủ thời gian để tiếp thu, hoàn chỉnh đầy đủ các nội dung theo ý kiến thẩm định của Hội đồng để báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, HĐTĐ đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép một số nội dung được tiếp tục hoàn thiện trong bước xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án để sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đầu tư Dự án.