Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Sự trở lại của các khu đô thị
Trong dự báo mới đây, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, năm 2016, TP.HCM sẽ chứng kiến sự xuất hiện trở lại của các khu đô thị. Khu trung tâm Thành phố thay đổi diện mạo trong giai đoạn 2016 - 2018 tạo ra triển vọng cho các dự án bất động sản hạng sang và cao cấp. Và năm nay giá đất sẽ chạm ngưỡng 30.000 USD/m2 tại các vị trí đắc địa ở TP.HCM.
Dự báo này cũng phù hợp với nhận định của giới chuyên gia và thực tế về các siêu dự án đô thị sẽ được triển khai trong năm 2016 ở khu trung tâm TP.HCM. Đơn cử như Dự án Khu đô thị mới tại Tiểu khu cảng Quận 4 (tại các phường 12, 13, 18) với 45ha dự kiến khởi công vào giữa năm 2016.
Hoặc như Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa gần 430ha thuộc quận Bình Thạnh, vốn được quy hoạch hơn 20 năm nay, cuối năm vừa qua UBND TP.HCM đã tìm được chủ đầu tư mới là Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) với tổng vốn đầu tư 30.700 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án này trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ tập trung hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình kỹ thuật chính.
Còn tại khu Tây Bắc TP.HCM (gồm các huyện Hóc Môn, Củ Chi, tiếp giáp với tỉnh Tây Ninh, Long An), TP.HCM đang cố gắng dành ra quỹ đất lớn (khoảng 10.000ha) để phát triển các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, giáo dục nhằm nhanh chóng phát triển khu vực đô thị mới trong 5 năm tới.
Phát triển theo mô hình đa tâm
Theo KTS. Trần Chí Dũng, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, phát triển hệ thống trung tâm đô thị cần theo mô hình đa tâm. Các khu đô thị mới phải gắn kết với vùng TP.HCM, cũng như kiểm soát tình trạng đô thị hoá tự phát.
Việc phát triển này, theo ông Dũng, nên theo mô hình tổ chức đô thị “đa cực”, mở rộng đô thị hoá ra vùng ven và các huyện ngoại thành; hình thành các khu đô thị mới, hỗ trợ phát triển các đô thị đối trọng, vệ tinh trong vùng, góp phần giảm dân số đang tập trung cao ở nội thành.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Minh Hoà, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM, cần hạn chế xây thêm các cao ốc ở trung tâm và nên khuyến khích các nhà đầu tư phát triển ở khu vực ngoại thành. TP.HCM nên tạo điều kiện và ban hành chính sách ưu đãi để các nhà đầu tư dịch chuyển, lựa chọn phát triển các dự án ra phía ngoài.
Tuy nhiên, ông Hoà nhìn nhận đây là vấn đề rất khó khăn vì các nhà đầu tư nước ngoài không muốn ra bên ngoài. Bởi vì hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực trung tâm đã có sẵn. Thậm chí, có nhiều dự án làm gia tăng dân số rất nhanh nhưng không hạn chế được do nó đã vượt quá tầm kiểm soát của Thành phố.
Giới chuyên gia cho rằng, Thành phố phải xây dựng chương trình phát triển đô thị theo quy hoạch chung đã được phê duyệt. Cụ thể là xác định các khu vực phát triển đô thị, kế hoạch thực hiện, nguồn lực đầu tư… Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng các đô thị mới với các chỉ tiêu, tiêu chí quy hoạch tiên tiến, sử dụng nhiều quỹ đất cho công trình công cộng, hạ tầng đô thị.