Hợp tác chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Lễ ký kết trực tuyến giữa 4 đơn vị (ảnh: PTDN)
Lễ ký kết trực tuyến giữa 4 đơn vị (ảnh: PTDN)

Theo Biên bản ký kết, trước mắt, Chương trình đặt mục tiêu thúc đẩy hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua các nền tảng số nói chung đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội; trong đó có thử nghiệm trên nền tảng của Grab.

Cùng với đó, các đơn vị trên cũng có những kế hoạch, hoạt động thiết thực để nâng cao nhận thức và năng lực triển khai chuyển đổi số cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất nông nghiệp khắp cả nước.

Về dài hạn, Chương trình hợp tác sẽ đóng vai trò như một mô hình thử nghiệm nhằm xem xét tính hiệu quả về hỗ trợ chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ, nhằm nâng cao lợi thế, tính cạnh tranh và thúc đẩy thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.

Hoạt động hợp tác này cũng là một trong các sáng kiến triển khai Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, tập trung cho các nhà sản xuất lĩnh vực nông nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết, các đơn vị sản xuất kinh doanh, bao gồm DNNVV, hợp tác xã và các hộ kinh doanh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19. Để hỗ trợ DN nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, trong Chương trình, nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số, bởi đây là ngành then chốt của nền kinh tế, có rất nhiều hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể đang sản xuất kinh doanh.

"Hợp tác này sẽ góp phần giải bài toán lâu dài cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến và tiêu thụ, để không còn tình trạng giải cứu trong tương lai", đại diện Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng khẳng định, hợp tác này là việc làm thiết thực hưởng ứng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đảm bảo mục tiêu kép, vừa tăng trưởng kinh tế, vừa chống dịch Covid-19. Đồng thời, tạo tiền đề để chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần gia tăng giá trị của nông sản của các địa phương, góp phần thiết thực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp.

Cũng tại Lễ ký kết, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư; đại diện Grab Việt Nam đều khẳng định sẽ tích cực, chủ động tích cực thực hiện các biện pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, mang đến hiệu quả thiết thực cho người nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp Việt Nam.

Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho DNNVV, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam kéo dài 3 năm tập trung vào 4 mục tiêu chính.

Một là, nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên nền tảng số.

Hai là, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các nhà sản xuất nông nghiệp và người tiêu dùng. Cụ thể, các đơn vị trên sẽ hợp tác tổ chức các chương trình truyền thông, tập huấn, hướng dẫn về tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình chuyển đổi số, đưa nông sản lên nền tảng thương mại điện tử cho các DNNVV, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người nông dân sản xuất kinh doanh nông nghiệp. Người tiêu dùng được khuyến khích mua sắm và sử dụng sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao từ các nhà sản xuất nông nghiệp tham gia các nền tảng số này.

Ba là, nâng cao năng lực triển khai chuyển đổi số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trên các nền tảng số cho các nhà sản xuất nông nghiệp, trong đó có lồng ghép thử nghiệm nền tảng của Grab để đánh giá hiệu quả thực thi. Để thực hiện mục tiêu này, Cục Phát triển DN, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư và Grab Việt Nam có kế hoạch tập huấn, liên kết, hướng dẫn, hỗ trợ các nhà sản xuất nông nghiệp đăng ký và đưa sản phẩm lên các nền tảng nông nghiệp số để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Các hoạt động hỗ trợ, liên kết, kết nối các nhà sản xuất nông nghiệp để cung cấp nông sản là đầu vào có các chứng nhận thực hành sản xuất tốt (VietGAP, GlobalGAP), có nguồn gốc sản phẩm rõ ràng cho các đơn vị bán hàng, kinh doanh liên quan khác trên nền tảng số cũng sẽ được chú trọng.

Bốn là, thúc đẩy các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản đối với các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để thực hiện mục tiêu này, 4 đơn vị sẽ kết nối, hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các nền tảng số, trong đó có nền tảng Grab đối với các nhà sản xuất nông nghiệp tại các địa phương chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, địa phương nằm trong vùng giãn cách, phong tỏa xã hội. Song song đó, các bên cũng sẽ phối hợp, hỗ trợ tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản nội địa thông qua giới thiệu, kết nối các địa phương, các nhà sản xuất nông nghiệp, và đơn vị tiếp nhận và đơn vị vận chuyển.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục