Nhiều cơ hội đang mở ra cho doanh nghiệp xây lắp. Ảnh: Lê Tiên |
Các sản phẩm của Imexpharm đã thay thế thuốc nhập khẩu tại nhiều bệnh viện
Thầy thuốc nhân dân, dược sĩ Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (IMP)
Ngành dược Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng 6 - 8%/năm trong giai đoạn 2023 - 2028. Triển vọng này được dẫn dắt bởi ba yếu tố, gồm: nhu cầu dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe tăng cao; chính sách hỗ trợ ngành dược của Chính phủ Việt Nam; cơ hội từ hội nhập quốc tế, tạo điều kiện mở rộng thị trường nước ngoài.
Những điều kiện thuận lợi trên là nền tảng vững chắc để Imexpharm duy trì quỹ đạo tăng trưởng. Công ty hiện được xếp hạng Top 5 công ty dược phẩm uy tín tại Việt Nam, đồng thời là công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trên thị trường, chỉ sau AstraZeneca. Các sản phẩm của Imexpharm đã thay thế thuốc nhập khẩu tại nhiều bệnh viện, gia tăng sức cạnh tranh. Imexpharm hiện có tổng cộng 27 giấy phép tiếp thị sản phẩm EU MA cho 11 sản phẩm (nhóm 1).
Năm 2023, bất chấp môi trường kinh doanh đầy biến động, Imexpharm vẫn đạt kết quả kinh doanh tốt nhất kể từ khi niêm yết đến nay. Tổng doanh thu gộp của Công ty đạt 2.113 tỷ đồng, tăng trưởng 26% (mức tăng trưởng chung của toàn thị trường khoảng 8%).
Năm 2024, Imexpharm đặt mục tiêu tăng tổng doanh thu 24% và doanh thu thuần tăng 19%; tăng trưởng doanh thu trên kênh OTC 12% (so với mức tăng trưởng 6% năm 2023).
Công ty dự kiến mở rộng danh mục EU MA và bước đầu đã xác định 30 sản phẩm mục tiêu tiềm năng. Công ty có kế hoạch tìm kiếm đối tác, mở rộng phát triển kinh doanh toàn cầu bằng những bước đi đầu tiên trong hoạt động ở nước ngoài cũng như tăng cường hợp tác sản xuất với các công ty đa quốc gia.
Đèo Cả kiên định theo đuổi chiến lược tăng trưởng tập trung
Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Đây là cơ hội việc làm rất lớn, không chỉ với DN xây lắp mà cả DN sản xuất và cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành xây dựng như: sắt, thép, xi măng, máy móc xây dựng… Để nắm bắt được cơ hội, tham gia thực hiện các dự án đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, đòi hỏi nhà thầu, nhà đầu tư phải có nguồn lực lớn và tăng cường đào tạo để có nguồn nhân lực đón đầu cơ hội việc làm.
Để đảm bảo nguồn lực tham gia thi công các dự án đường bộ cao tốc, trong vai trò nhà đầu tư, Tập đoàn Đèo Cả đã phát triển mô hình PPP++ nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, tăng hiệu quả huy động, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng, cơ cấu nguồn vốn theo mô hình PPP++ có sự tham gia của nguồn lợi nhuận thi công từ chính dự án, trái phiếu, cổ phiếu, hợp đồng BCC.
Tập đoàn Đèo Cả kiên định theo đuổi chiến lược tăng trưởng tập trung, đi trong vòng tròn năng lực và giá trị cốt lõi của DN là đầu tư, thi công hạ tầng giao thông, sát với định hướng, mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của Chính phủ. Bên cạnh đó, Đèo Cả cũng có chiến lược chủ động nguồn nhân lực thông qua đào tạo phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực ở nhiều cấp, nhiều bậc, nhiều lĩnh vực, đảm bảo nguồn lực mạnh và tinh nhuệ tham gia thực hiện các dự án.
Xuân Mai Corp tìm hướng đi riêng, chuẩn bị tốt nguồn lực để đón cơ hội
Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường xây dựng nhà ở, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (Xuân Mai Corp) trong năm 2023 cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khi chưa đạt sản lượng và doanh thu kế hoạch đề ra.
Xuân Mai Corp đã phải tìm hướng đi riêng để phát triển như tham gia và trúng thầu nhiều dự án nhà công nghiệp có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như Dự án Nitori, SMC, Asahi, SLP, Logos, Toho. Bên cạnh đó, Xuân Mai Corp cũng không ngừng tìm kiếm và tham gia đấu thầu các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Mới đây, Xuân Mai Corp là một trong các thành viên Liên danh Việt Bắc trúng Gói thầu số 12 Thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình (4.614,996 tỷ đồng) thuộc Dự án Mở rộng Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, dự kiến khởi công vào dịp 30/4/2024… Với tín hiệu công việc đang tốt dần lên, 3 nhà máy của Xuân Mai Corp bắt đầu hoạt động hết công suất từ tháng 10/2023 đến nay.
Việc Chính phủ dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2024, hàng loạt quy định pháp lý liên quan tới hoạt động xây dựng, bất động sản (BĐS) như Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực thi hành tạo động lực rất lớn cho nền kinh tế sôi động. Những phần việc như xây nhà cao tầng, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội được triển khai… là cơ hội việc làm tiềm năng trong thời gian tới. Xuân Mai Corp đang và sẽ chuẩn bị tốt nguồn lực để đón nhận các cơ hội này.
Văn Phú - Invest sẽ tiếp tục triển khai dự án tại các địa bàn trọng điểm, nhiều tiềm năng và dư địa lớn
Ông Triệu Hữu Đại, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest
Giữa những biến động của tình hình chung, với sự nỗ lực của cả hệ thống, ứng biến linh hoạt với thực tế, năm 2023, Văn Phú - Invest đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất 492 tỷ đồng. Năm 2024, Văn Phú - Invest đặt kế hoạch theo hướng thận trọng, thể hiện quan điểm, triết lý của một nhà đầu tư bất động sản chuyên tâm, tập trung đầu tư phát triển các quỹ đất dự án tại nhiều tỉnh thành.
Với mục tiêu đạt tổng doanh thu 2.775 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 405 tỷ đồng năm 2024, Văn Phú - Invest tiếp tục triển khai dự án tại các địa bàn trọng điểm, nhiều tiềm năng và dư địa lớn như: giải phóng mặt bằng, giao đất tại Dự án Khu đô thị Bảo Ninh 8, tỉnh Quảng Bình; nghiên cứu khả thi Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở hỗn hợp và khu thương mại dịch vụ Song Khê - Nội Hoàng... Ngoài ra, Văn Phú - Invest tiếp tục thúc đẩy đầu tư, tham gia các thương vụ M&A, tìm hiểu các dự án đấu giá tiềm năng để gia tăng quỹ đất làm nguồn dự án gối đầu cho các năm tiếp theo.
Cộng đồng doanh nghiệp Bình Dương đang dần lấy lại nhịp độ phát triển
Ông Trần Thành Trọng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai
Trong những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực. Nhiều DN, nhất là DN trong lĩnh vực chế biến gỗ, may mặc xuất khẩu (hai lĩnh vực khó khăn nhất trong thời gian qua) ghi nhận phục hồi sản xuất mạnh mẽ với nhiều đơn hàng hơn và từng bước vượt qua khó khăn.
Tại Bình Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2024 ước tăng 3,87% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu đạt 7,994 tỷ USD, tăng 16,2% so với quý I/2023. Cộng đồng DN Bình Dương đang dần lấy lại nhịp độ phát triển.
Để có thêm động lực phục hồi, các DN mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ. Hiện nay, DN tại Bình Dương cần tháo gỡ 2 vấn đề. Thứ nhất, cần linh động trong khâu áp dụng quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với DN có nhà xưởng hoạt động lâu năm. Với các DN trong lộ trình tới năm 2030 phải di dời nhà máy, cố gắng cho tiếp tục hoạt động tới thời hạn trên nhưng phải đảm bảo cơ bản đáp ứng yêu cầu về PCCC và không để xảy ra sự cố. Còn nếu phải đầu tư mới nhà xưởng để đáp ứng quy định về PCCC thì DN không đủ thời gian. Thứ hai, ngân hàng cần có chính sách đồng hành hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn với điều kiện cởi mở, kịp thời hơn. Thực tế, nhiều DN có đơn hàng xuất khẩu nhưng khó tiếp cận nguồn vốn. Do đó, ngân hàng nên xem xét giảm tỷ lệ thế chấp tài sản, mở rộng cho vay theo hợp đồng với các tài sản và quyền tài sản hình thành trong tương lai.
FECON sẵn sàng vượt qua sóng cả, bứt phá và phát triển
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON
2024 được kỳ vọng là năm chuyển dần sang trạng thái phục hồi và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế với các dự án trọng tâm của Chính phủ liên quan đến xây dựng hạ tầng và xây dựng công nghiệp. Tiếp nối bước chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng nhà thầu chính và tổng thầu tại các dự án lớn, đồng thời ứng phó linh hoạt phù hợp với nhịp biến động của thị trường, FECON tin tưởng sẽ xây dựng nền móng cho tương lai, vượt qua sóng cả và bứt phá vươn lên.
Thị trường xây dựng được dự báo phát triển mạnh mẽ hơn vào giai đoạn cuối năm. Đứng trước các cơ hội lớn ở các mảng dự án năng lượng, hạ tầng đô thị, cảng biển, hạ tầng logistics và đầu tư nước ngoài, FECON đã sẵn sàng để bứt phá và phát triển mạnh mẽ.
Năm 2024, FECON đặt mục tiêu đạt 4.000 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 39% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 60 tỷ đồng, tăng trưởng 243%.
Với loạt dự án, gói thầu bản lề đã được ký kết như Dự án Đầu tư khu bến Phoenix - cảng Vũng Áng (bến số 5 và 6) trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, Gói thầu Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng (781 tỷ đồng) thuộc Dự án Bến cảng số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện…, FECON sẽ phát huy lợi thế cạnh tranh về công nghệ xây dựng và năng lực thi công, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành tập đoàn hàng đầu về xây dựng và phát triển hạ tầng tại Việt Nam giai đoạn 2025 - 2030.
Nhà thầu xây dựng cần nhiều trợ lực để vượt khó
Ông Trần Phước Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng miền Trung
Đà Nẵng hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp xây dựng và liên quan đến ngành xây dựng đang hoạt động, chiếm khoảng 5% tổng số DN tại TP. Đà Nẵng, nhưng chủ yếu là có vốn dưới 1 tỷ đồng. Theo kế hoạch vốn, năm 2023 - 2024, đầu tư công ở miền Trung rất lớn, nhưng dành cho giao thông và do các DN lớn đảm nhận là chính.
Trước kia, các DN nhỏ thường thực hiện công việc ở các khu tái định cư, làm đường, làm cống…, nhưng hiện nay, cơ hội có việc làm trở nên khó khăn hơn nhiều. Một vài DN tầm trung, từng có doanh thu nghìn tỷ đồng trước đây, cũng đang ở tình trạng thiếu việc, hoạt động chưa đến 20% công suất. Những DN lớn, nếu được làm dự án đầu tư công cũng phải đối mặt với nhiều vất vả, nhất là khi dự án bị chậm giải phóng mặt bằng, thiếu nguyên liệu… Nhà thầu sau khi trúng thầu được tạm ứng 10% để mua vật tư, chuẩn bị thi công..., nhưng có những trường hợp mua xong, sau 3 tháng vẫn không có mặt bằng, không triển khai thi công được và theo quy định, phải nộp lại tiền tạm ứng. Nếu không nộp, nhà thầu có thể vi phạm Luật Ngân sách nhà nước, dù nguyên nhân không phải do nhà thầu…
Là đại diện Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng miền Trung, tôi mong muốn các cơ quan có thẩm quyền xây dựng chế tài minh bạch hơn, công bằng hơn cho các nhà thầu, bên nào làm sai thì bên đó chịu trách nhiệm. Nếu năm 2024 không có sự cải thiện thực chất về số dự án được triển khai, thì vấn đề công ăn việc làm, doanh số và hiệu quả cho các nhà thầu xây dựng vẫn còn nan giải.
Tín hiệu tích cực từ thị trường xây dựng dân dụng “ấm” trở lại
Ông Trần Hoàng Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Xanh Việt Nam
Thị trường BĐS đã dần phục hồi nhờ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, thể hiện rõ nét trong quý đầu năm 2024 khi giá và khối lượng giao dịch tăng. Đặc biệt, BĐS nghỉ dưỡng - phân khúc gặp khó khăn lớn nhất do ảnh hưởng dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế - cũng đang dần phục hồi nhờ lượng khách quốc tế tăng trở lại. Đơn cử, các dự án BĐS nghỉ dưỡng tại Bãi Dài (TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) đã tái khởi động sau một thời gian trầm lắng.
Thị trường BĐS “ấm” dần tạo ra nhiều công việc hơn cho các DN xây dựng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cho ngành xây dựng như đơn giá, định mức thấp so với thực tế. Cụ thể, đơn giá nhân công chưa bằng một nửa so với thực tế; giá cát, đá hiện cao hơn gấp đôi đơn giá xây dựng. Tình trạng này khiến biên lợi nhuận của các công trình xây dựng thấp, DN xây dựng thua lỗ nếu quản lý chi phí không chặt chẽ.
Kỳ vọng vào động lực phục hồi ngành xây dựng
Ông Phạm Quốc Đạo, Nhà sáng lập Sàn thương mại điện tử Kết nối xây dựng
Năm 2024, lĩnh vực xây dựng được kỳ vọng là một trong những "viên gạch đầu tiên" xây nền móng cho sự phục hồi và ươm mầm một chu kỳ phát triển mới. Nền kinh tế đang dần có những dấu hiệu phục hồi từ cuối năm 2023 khi tốc độ tăng trưởng GDP tăng dần qua các quý. Với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường BĐS bước qua thời điểm khó khăn nhất và ghi nhận chuyển biến với các điểm nghẽn pháp lý đang dần được tháo gỡ sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi của ngành xây dựng.
Ngoài ra, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm cao điểm giải ngân đầu tư công và tăng tốc thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Tác động của đầu tư công sẽ lan tỏa dần tới các ngành, lĩnh vực, trước hết là lĩnh vực xây dựng. Các DN xây dựng hạ tầng kỳ vọng duy trì nguồn việc cũng như doanh thu lớn trong năm 2024 và các năm tiếp theo.