Hủy thầu do lỗi của chủ đầu tư, bên mời thầu: Trách nhiệm ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, số lượng các gói thầu bị hủy thầu ngày một gia tăng. Bên cạnh những trường hợp hủy thầu bởi lý do khách quan, chính đáng, không ít cuộc thầu phải hủy thầu “bất đắc dĩ” do quá trình lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) không tuân thủ quy định pháp luật đấu thầu. Vậy, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định dẫn đến hủy thầu ra sao?
Bên cạnh những trường hợp hủy thầu bởi lý do khách quan, chính đáng, không ít cuộc thầu phải hủy thầu “bất đắc dĩ”. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Bên cạnh những trường hợp hủy thầu bởi lý do khách quan, chính đáng, không ít cuộc thầu phải hủy thầu “bất đắc dĩ”. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngày 9/2, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản chỉ đạo giao UBND huyện Di Linh xem xét, xử lý kiến nghị của Công ty TNHH MTV Máy tính Kết nối (trụ sở tại Tiền Giang) về quá trình lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Mua sắm bộ thu truyền thanh không dây kỹ thuật số trên địa bàn huyện Di Linh, trong đó, lưu ý xem xét nội dung Nhà thầu yêu cầu giải quyết đền bù chi phí hủy thầu.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Gói thầu do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Di Linh làm chủ đầu tư, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Hoàn Thành Ninh Thuận làm bên mời thầu, phát hành HSMT từ ngày 29/4 - 10/5/2022. Gói thầu thu hút sự tham dự của 2 nhà thầu, Công ty TNHH Điện tử và Viễn thông Thành Tín được phê duyệt trúng thầu ngày 26/5/2022.

Không đồng tình với kết quả lựa chọn nhà thầu, Công ty TNHH MTV Máy tính Kết nối có đơn kiến nghị gửi Chủ đầu tư đề nghị giải quyết theo quy định. Sau khi Chủ đầu tư không phản hồi, Nhà thầu đã có đơn kiến nghị gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Lâm Đồng.

Sau khi kiểm tra, rà soát gói thầu nêu trên, phía Sở KH&ĐT Lâm Đồng kết luận, công tác lập, thẩm định, phê duyệt HSMT và công tác đánh giá HSDT đều không tuân thủ quy định pháp luật đấu thầu. Cụ thể, trong quá trình phát hành HSMT, Nhà thầu đã có văn bản đề nghị điều chỉnh một số tiêu chí không phù hợp. Tuy nhiên, Chủ đầu tư, Bên mời thầu đều “phớt lờ” đề nghị của Nhà thầu và tiến hành mở thầu, đánh giá HSDT. Sở KH&ĐT kết luận, việc Chủ đầu tư, Bên mời thầu không phản hồi đề nghị làm rõ của Nhà thầu là chưa phù hợp với quy định, gây tâm lý bức xúc, dẫn tới kiến nghị kéo dài. Ngoài ra, việc HSMT chỉ định nhãn hiệu Cadivi đối với mặt hàng dây cáp điện; hay yêu cầu nhà thầu có xác nhận không nợ thuế là không tuân thủ quy định pháp luật đấu thầu, gây hạn chế nhà thầu.

Cũng theo Sở KH&ĐT Lâm Đồng, HSDT của Công ty TNHH Điện tử và Viễn thông Thành Tín không đính kèm một số tài liệu chứng minh tiêu chuẩn kỹ thuật như yêu cầu của HSMT, song Bên mời thầu vẫn đánh giá đạt và đề nghị trúng thầu là không đúng quy định. Theo đó, Sở KH&ĐT đề nghị UBND huyện Di Linh (người có thẩm quyền) ra quyết định hủy thầu và chỉ đạo tổ chức đấu thầu lại.

Trên cơ sở quyết định hủy thầu được Chủ đầu tư phê duyệt, Công ty TNHH MTV Máy tính Kết nối đề nghị các bên liên quan có trách nhiệm đền bù chi phí hủy thầu theo quy định.

Theo ghi nhận của Báo Đấu thầu, gần đây, nhiều gói thầu cũng bị thông báo hủy thầu bởi các sai sót trong khâu lập HSMT hoặc đánh giá HSDT. Ví dụ ngày 9/2, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hà Nam ra quyết định hủy Gói thầu số 7 Tư vấn giám sát thuộc Dự án Nâng cấp Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Nguyên nhân là sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, một nhà thầu bị loại đã có đơn kiến nghị Chủ đầu tư, Bên mời thầu xem xét, đánh giá lại HSDT. Sau khi kiểm tra, rà soát, Chủ đầu tư nhận thấy tiêu chí về năng lực của nhà thầu do Bên mời thầu (Công ty TNHH An Việt Bách) đánh giá có nhiều điểm bất cập, dẫn đến loại oan nhà thầu. Chủ đầu tư đã quyết định hủy thầu, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của Bên mời thầu.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia về đấu thầu cho biết, trường hợp hủy thầu do HSMT không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan, thì tổ chức, cá nhân vi phạm phải có trách nhiệm đền bù chi phí cho các bên liên quan và bị xử lý theo quy định tại Điều 18 Luật Đấu thầu. “Đối với trường hợp này, trong quyết định hủy thầu phải nêu rõ lý do, lỗi, trách nhiệm xử lý hệ quả liên quan của các bên. Trường hợp không nêu rõ, nhà thầu sẽ khó có cơ sở đòi bồi hoàn chi phí”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, chi phí đền bù sẽ được các bên thỏa thuận dựa trên quy định pháp luật dân sự. Các chi phí này thường được tính toán dưới dạng chi phí hợp lý cho nhà thầu như chi phí mua HSMT (nếu có), chi phí bảo lãnh dự thầu, cam kết tín dụng hoặc các chi phí cơ hội (nếu nhà thầu chứng minh được). Ngoài ra, đối với các dự án đầu tư xây dựng, trong một số trường hợp, các tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng theo quy định.

Tin cùng chuyên mục