Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài khu vực sẽ tìm thấy cơ hội hợp tác với các đối tác ASEAN. Ảnh: Lê Tiên
Đẩy mạnh kết nối kinh tế
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm, tích cực tham gia xây dựng ASEAN lớn mạnh, gắn kết. Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao sự ủng hộ của các quốc gia thành viên ASEAN và sự hợp tác có hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đối tác đối với tiến trình đổi mới, mở cửa và hội nhập của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đang có 22.000 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn gần 300 tỷ USD, có 600 nghìn doanh nghiệp trong nước đang hoạt động, 3,5 triệu hộ kinh doanh cá thể và đang hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Thủ tướng cũng nhận định, thế giới và khu vực ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trên nhiều lĩnh vực về an ninh, kinh tế, lương thực, tiền tệ, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa bảo hộ đang có nguy cơ trở lại...
Thủ tướng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh đó, các nước ASEAN cần đoàn kết, đẩy mạnh kết nối kinh tế, phát triển hạ tầng giao thông và liên kết mềm nhằm tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và dịch vụ qua biên giới; xây dựng thị trường ASEAN thống nhất, hiệu quả. Từng thành viên ASEAN không thể phát triển, nếu chỉ dựa vào khai thác tài nguyên và lao động giản đơn, mà cần đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sâu hơn và vươn lên các mức giá trị gia tăng cao hơn. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN có vai trò là chủ thể, là động lực của tiến trình liên kết kinh tế và đóng vai trò khởi xướng các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp, tạo động lực mới trong phát triển thương mại và đầu tư.
Bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư ngoài khu vực sẽ tìm thấy cơ hội hợp tác cùng có lợi với các đối tác ASEAN, Thủ tướng cam kết tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và chào đón các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư tin cậy và hấp dẫn.
Việt Nam có nhiều triển vọng, cơ hội cho đầu tư, kinh doanh
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong “sân chơi” này, Việt Nam thuộc nhóm trung bình, nhưng là quốc gia có nhiều triển vọng, cơ hội cho đầu tư, kinh doanh. Vì đang ở vị trí trung bình, nên Việt Nam càng hiểu rằng cần thu hẹp nhanh khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực. Để làm được điều này, Việt Nam đang theo đuổi định hướng chiến lược là phát triển với tốc độ nhanh hơn, bền vững hơn và tận dụng tối đa các cơ hội mà quá trình hợp tác mang lại, ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề công bằng xã hội, đói nghèo và việc làm.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Việt Nam đang rất nỗ lực cải cách, cơ cấu lại nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng gắn với tăng năng suất lao động. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; cải cách mạnh mẽ kinh tế nhà nước nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng, trong đó đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá, thoái vốn. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm cạnh tranh công bằng và bình đẳng, trong đó khuyến khích để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực của tăng trưởng kinh tế. Thực hiện đột phá về phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị...
“Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư lâu dài, hỗ trợ chuyển giao công nghệ mới, nâng cao giá trị thương hiệu, quản trị doanh nghiệp, cung ứng nguyên vật liệu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh.
Để tận dụng cơ hội hợp tác giữa các nước trong khu vực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, đổi mới phương thức tiếp cận kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng tối đa cơ hội thị trường, vốn, công nghệ mà AEC mang lại. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường sự hợp tác với các cơ quan đồng cấp trong khu vực nhằm tạo môi trường thương mại thuận lợi, giảm thiểu rào cản, rủi ro trong quá trình làm ăn giữa doanh nghiệp các nước; phối hợp xử lý các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.