Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) cho biết, trong quý I/2019, Tổng cục đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật 42 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông với kinh phí 157 tỷ đồng, đã cho phép chuẩn bị đầu tư sửa chữa 38 điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông với kinh phí 112 tỷ đồng.
Đối với các công trình có trong kế hoạch bảo trì năm 2019, công tác duyệt các dự án sửa chữa này đã được thực hiện xong từ cuối năm 2018, một số công trình được Bộ GTVT cho phép bổ sung vào kế hoạch bảo trì năm 2019 cũng đã được duyệt.
Ngay sau khi có quyết định duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu các gói thầu bảo trì này, TCĐB đã yêu cầu các Cục Quản lý đường bộ và Sở GTVT khẩn trương tổ chức đấu thầu với thời gian ngắn nhất để sớm khởi công các dự án vào đầu tháng 6/2019. Riêng các gói thầu có giá trị nhỏ hơn 1 tỷ đồng thuộc các trường hợp được chỉ định thầu thì có thể khởi công ngay trong tháng 5/2019.
Tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương cho biết, đối với dự toán chi năm 2019, Bộ Tài chính đã duyệt chi hơn 290 tỷ đồng cho Quỹ BTĐB Trung ương, giảm hơn 62,6 tỷ đồng so với con số mà Quỹ được giao (trong đó không cấp kinh phí quản lý, bảo trì các tuyến quốc lộ chưa hoàn thành thủ tục điều chuyển tài sản).
Đối với dự toán chi đợt 2 hiện cũng chưa được giao dự toán cho nhiệm vụ trên tuyến chưa hoàn thành bàn giao tài sản. Theo ông Minh, việc dừng không bố trí kinh phí để thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo đảm an toàn giao thông, duy trì cấp hạng kỹ thuật trong khai thác đối với toàn bộ 60 tuyến quốc lộ. Nếu không được bảo dưỡng kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng kỹ thuật của 4.674 km quốc lộ xuống cấp nhanh chóng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thong do không được xử lý điểm đen…
Tại cuộc họp, rất nhiều đại biểu tham dự đã bày tỏ lo ngại về cơ chế phân bổ vốn chậm, không kịp thời sửa chữa, bảo trì các công trình đường bộ dễ gây nên những hệ lụy khó lường.
Ông Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác bảo trì đường bộ hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người tham gia giao thông. Thời gian qua, công tác bảo trì đường bộ có nhiều xáo trộn vì cách thức phân bổ vốn mới so với trước đây, dẫn đến việc phân bổ vốn cho công tác bảo trì đường bộ ở địa phương bị chậm. Ông Thể yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải chuẩn bị các bước sẵn sàng để khi được phân bổ vốn là phải triển khai công tác bảo trì đường bộ ngay, không thể chờ được phân bổ vốn rồi mới làm các thủ tục thì sẽ bị chậm.
Đại diện các Cục Quản lý đường bộ cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay trong công tác bảo trì đường bộ là việc phân bổ vốn chậm, mà không được phân bổ vốn thì lấy gì mà sửa chữa, có muốn thúc giục nhà thầu đẩy nhanh tiến độ sửa chữa cũng khó. Chính vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, Quỹ Bảo trì đường bộ nên đề xuất cơ chế tạm ứng vốn, cơ chế được chủ động để bố trí vốn bảo trì đường bộ một cách kịp thời, đảm bảo sự thông suốt trong quá trình sửa chữa bởi vì nếu công tác bảo trì bị “tắc” thì sẽ không hiệu quả.
Bên cạnh đó, tại cuộc họp, một số đại biểu cho biết, hiện nay các cơ quan quản lý ở địa phương mới quan tâm đến công tác duy tu, sửa chữa đường bộ mà chưa thực sự chú trọng đến quản lý công trình đường bộ. Ở nhiều nơi, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, xâm phạm lòng đường để tổ chức đám tang, đám cưới vẫn diễn ra khá phổ biến, điều này cũng ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ.