Kho số viễn thông sắp lên sàn đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng kho số viễn thông, tên miền Internet cho thấy có sự kết hợp giữa cơ chế hành chính với cơ chế thị trường. Tại Dự thảo, 2 nội dung đối tượng tổ chức đấu giá và kho số viễn thông đấu giá nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là các quy định liên quan tới việc thực hiện đấu giá của các doanh nghiệp viễn thông.
Mã, số viễn thông được đấu giá được lựa chọn từ kho số viễn thông của Nhà nước chưa phân bổ và kho số viễn thông đã phân bổ nhưng chưa sử dụng của doanh nghiệp viễn thông. Ảnh minh họa: An Chi
Mã, số viễn thông được đấu giá được lựa chọn từ kho số viễn thông của Nhà nước chưa phân bổ và kho số viễn thông đã phân bổ nhưng chưa sử dụng của doanh nghiệp viễn thông. Ảnh minh họa: An Chi

Theo Dự thảo, đối tượng tổ chức đấu giá đối với kho số viễn thông, tên miền Internet là Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), doanh nghiệp viễn thông. Mã, số viễn thông được đấu giá sẽ được lựa chọn từ kho số viễn thông của Nhà nước chưa phân bổ và kho số viễn thông đã phân bổ nhưng chưa đưa vào sử dụng của doanh nghiệp viễn thông.

Cụ thể, nhóm thứ nhất là các mã, số viễn thông được xem xét, lựa chọn từ kho số viễn thông chưa được phân bổ bao gồm: mã mạng di động, số dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS). Đối tượng tổ chức đấu giá là Bộ TT&TT. Đối tượng tham gia đấu giá là doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng viễn thông.

Nhóm thứ hai là các mã, số viễn thông được xem xét lựa chọn từ kho số viễn thông đã phân bổ nhưng chưa sử dụng (chưa cấp cho người sử dụng qua hợp đồng giao kết với doanh nghiệp) là số thuê bao di động. Đối tượng tổ chức đấu giá là doanh nghiệp viễn thông. Đối tượng tham gia đấu giá là tổ chức, cá nhân.

Về đối tượng tổ chức đấu giá và kho số viễn thông đấu giá, Bộ Tư pháp cho rằng, theo quy định tại Luật Viễn thông, nếu kho số viễn thông đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ cho doanh nghiệp viễn thông thì không tổ chức đấu giá, mà doanh nghiệp có quyền quyết định và Nhà nước không can thiệp vào vấn đề này. Do đó, Bộ Tư pháp đề nghị, chỉ quy định Bộ TT&TT thực hiện đấu giá kho số viễn thông.

Theo Bộ Tài chính, Luật Viễn thông quy định, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc phân bổ kho số viễn thông, tài nguyên Internet thông qua đấu giá, chuyển nhượng”. Vì vậy, cần làm rõ căn cứ pháp lý quy định các doanh nghiệp tổ chức đấu giá mã, số viễn thông.

Một số doanh nghiệp viễn thông cũng đề nghị xem xét bỏ việc ủy quyền của Bộ TT&TT cho doanh nghiệp viễn thông tổ chức đấu giá, đề xuất chỉ đấu giá số thuê bao mà Bộ TT&TT chưa phân bổ với lý do tương tự ý kiến của Bộ Tư pháp.

Về phương pháp xác định giá khởi điểm, một số doanh nghiệp viễn thông đề xuất, xác định giá khởi điểm dựa trên cùng loại số, cấu trúc trong danh mục đấu giá. Có doanh nghiệp đề nghị, cho phép doanh nghiệp viễn thông tự xác định giá khởi điểm để tổ chức đấu giá. Riêng tiền thu được từ việc bán đấu giá, doanh nghiệp viễn thông đề xuất được giữ lại theo các mức 30% hoặc 50%, số còn lại nộp ngân sách nhà nước.

Giải trình về quy định được đưa ra trong Dự thảo, Bộ TT&TT cho biết, viễn thông là ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù, sử dụng tài nguyên vô hình (kho số viễn thông, tên miền Internet…) để các doanh nghiệp viễn thông thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ. Với kho số viễn thông, cơ quan quản lý nhà nước chỉ phân bổ cho doanh nghiệp qua đấu giá hoặc trực tiếp theo quy hoạch. Sau khi được phân bổ số thuê bao, doanh nghiệp phân bổ lại cho người sử dụng dịch vụ viễn thông qua giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ (phân bổ trực tiếp hoặc thông qua đấu giá đối với số thuê bao có cấu trúc đặc biệt). Thời điểm cấp quyền sử dụng kho số là thời điểm thực hiện giao kết hợp đồng cung cấp dịch vụ (thời điểm số thuê bao được lựa chọn, kích hoạt trên hệ thống và trở thành số thuê bao viễn thông chính là thời điểm số thuê bao được đưa vào sử dụng).

Theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ TT&TT được giao quản lý nhà nước đối với kho số, có trách nhiệm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định về hình thức thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số, xác định giá khởi điểm để đấu giá, lộ trình thực hiện và các nội dung cần thiết khác để thực hiện việc thu tiền cấp quyền lựa chọn sử dụng kho số thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Do đó, Bộ TT&TT bảo lưu quan điểm là tổ chức đấu giá các số thuê bao có cấu trúc đặc biệt đã phân bổ cho doanh nghiệp nhưng chưa được phân bổ cho người sử dụng dịch vụ qua giao kết hợp đồng. Để không trái với quy định tại Nghị định số 25/2011/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Viễn thông, cần giao cho doanh nghiệp tổ chức đấu giá. Việc này cũng phù hợp với quy định tại Luật Đấu giá tài sản. Tiền trúng đấu giá phải nộp ngân sách nhà nước sau khi trừ các chi phí theo quy định của pháp luật, Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục