Người dân cần cẩn trọng với việc mua nhà chỉ lập vi bằng giao nhận tiền ở khu vực các quận ngoại thành. Ảnh minh họa |
Trong gần một năm qua, 16 hộ dân sống tại địa chỉ trên đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM, hoang mang khi chính quyền ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ các căn nhà mà họ đã mua ở thời gian qua với lý do xây dựng trái phép.
Theo nội dung mà các hộ dân ở đây phản ánh, họ cùng mua nhà của một người chủ đất có giá 1,2 tỷ đồng đến 1,5 tỷ đồng từ tháng 5/2019. Khi giao dịch, tất cả khách hàng đều được chủ đất cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng và giấy xác nhận của ngân hàng đã xóa nội dung đăng ký thế chấp.
Thủ tục mua bán giữa chủ đất và người dân chỉ qua văn phòng thừa phát lại lập vi bằng xác thực hành vi các bên giao nhận tiền. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau khi giao dịch, vào tháng 8/2019, họ bất ngờ khi thấy ngân hàng dán thông báo thu hồi và phát mại khu đất. Không chỉ vậy, nhà của họ còn bị Thanh tra Sở Xây dựng, UBND phường Thạnh Xuân ra quyết định cưỡng chế tháo dỡ vì xây trái phép. Liên hệ với chủ đất thì không gặp được.
Thông tin từ UBND phường Thạnh Xuân cho biết, khu đất trên thuộc quyền sử dụng của một cá nhân và chỉ được cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên phần đất trên. Tuy nhiên, thời gian qua, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra và phát hiện công trình có nhiều sai phạm xây dựng sai phép, nên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như yêu cầu chủ đất khắc phục hậu quả theo giấy phép nhưng không thực hiện. Do đó, thanh tra xây dựng đã ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục.
Trường hợp các hộ dân nói trên không phải là trường hợp hiếm. Thời gian qua, nhắm vào nhu cầu sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp, tình trạng các đầu nậu xây những căn nhà diện tích nhỏ có "sổ chung" và giao dịch với hình thức "công chứng vi bằng" đã nở rộ tại các quận, huyện ngoại thành như Gò Vấp, 12, Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức...
Đa phần là các căn nhà cùng xây trên một khu đất của cùng một chủ đất. Vì diện tích nhỏ hơn quy định được tách thửa nên bốn căn chung một sổ đỏ. Nhà không có giấy tờ riêng, không thể làm hợp đồng công chứng sang tên nên khi mua khách hàng cùng người bán ra văn phòng thừa phát lại trao tiền và lập vi bằng về việc giao dịch. Và sau một thời gian về ở, người mua khóc ròng bởi đủ chuyện từ việc bị ngân hàng thu hồi do đất cầm cố cho đến việc bị chính quyền xử lý vì xây trái phép.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Nhã, điểm sai lầm của các người mua là không có kiến thức pháp lý đầy đủ nên không biết được rằng việc công chứng vi bằng thực chất cũng giống như hình thức mua nhà giấy tay trước đây, không thông qua việc công chứng, sang tên theo đúng thủ tục pháp luật về giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc lập vi bằng để mua nhà đất sẽ không có giá trị pháp lý để thực hiện hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất.