![]() |
Tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công… là những yếu tố tạo nền tảng tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Tuy nhiên, để từng đồng vốn đổ vào nền kinh tế mang lại hiệu quả ngay trong năm nay và tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo, giới chuyên gia cho rằng, cần có sự phối hợp hài hòa giữa các chính sách, cải cách thể chế một cách thực chất. Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý để bảo đảm thành quả tăng trưởng mang lại lợi ích thiết thực cho từng người dân.
Ngày 19/2, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, với 463/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Nghị quyết nêu rõ, năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.
Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công. Bên cạnh đó, cần tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công, Nghị quyết yêu cầu trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia, tăng tốc, bứt phá, về đích.
Bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025.
![]() |
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch. Trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.
Trước đó, ngày 18/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện đôn đốc các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2025. Tại công điện này, Thủ tướng nghiêm khắc phê bình 26 bộ, cơ quan trung ương và 48 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2025 đã được giao; yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 được Trung ương, Quốc hội giao, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 là khả thi. Trong đó, ông Việt cho rằng, điểm đáng chú ý và có thể coi là đòn bẩy để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng là gỡ điểm nghẽn về thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải ngân dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực của nền kinh tế.
Từ góc độ khác, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, dù quyết tâm cải thiện nội lực và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vẫn còn một số thách thức từ cả nội tại nền kinh tế và biến động địa chính trị bên ngoài, đặc biệt là tình trạng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại của các nước lớn.
Để thúc đẩy tăng trưởng, ông Thành cho rằng, cùng với đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là tăng đầu tư cho kết cấu hạ tầng, vấn đề rất quan trọng là tiếp tục cải thiện thể chế một cách thực chất để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục kích cầu tiêu dùng trong nước. “Tăng trưởng mạnh tiêu dùng trong nước sẽ bù đắp cho rủi ro từ bất ổn địa chính trị tác động đến quan hệ thương mại với bên ngoài. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng là cần thiết song vẫn chưa đủ mạnh, cần thêm các giải pháp tích cực hơn trong việc giảm thuế, phí. Đồng thời, tăng các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương và lao động mất việc làm, dôi dư trong tiến trình tinh gọn bộ máy”, ông Thành nhấn mạnh.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã có 3 năm phục hồi từ dịch Covid-19 với mức tăng trưởng khá tốt và lạm phát ổn định. Đây là thành quả của công tác điều hành chính sách kinh tế hiệu quả, trong đó, đáng chú ý là sự hài hòa của chính sách tài khóa và tiền tệ, thúc đẩy các động lực quan trọng của nền kinh tế. Dù vậy, điểm hạn chế là giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu, nỗ lực cải thiện năng suất lao động và hiệu quả vốn đầu tư chưa đạt kỳ vọng.
“Với việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, khối lượng tiền dự kiến đổ vào nền kinh tế năm 2025 sẽ rất lớn. Thêm 2,5 triệu tỷ đồng từ tăng trưởng tín dụng, 900 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công sẽ gây áp lực lớn cho nỗ lực giải ngân, hấp thụ vốn vào nền kinh tế. Do đó, việc khơi thông các điểm nghẽn thể chế để dòng vốn đầu tư vào đúng địa chỉ như cải thiện hạ tầng, tăng năng lực sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng tăng trưởng của năm nay”, ông Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, rủi ro lạm phát tăng cao là rất lớn trong năm nay, cần thận trọng kiểm soát dòng tiền trong nền kinh tế, tránh gây lạm phát kỳ vọng, để thành quả tăng trưởng GDP cao đi cùng với ổn định vĩ mô và củng cố các nền tảng tăng trưởng dài hạn cho đất nước.