Không bỏ lỡ cơ hội phục hồi, phát triển của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến thời điểm này, trên 50 bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ với mục tiêu cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, không để lỡ cơ hội phục hồi của doanh nghiệp (DN) sau những ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua.
Nhiều bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện giải pháp chuyển mạnh sang kinh tế số, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nắm bắt cơ hội phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện giải pháp chuyển mạnh sang kinh tế số, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, nắm bắt cơ hội phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Tập trung cải thiện các yếu tố môi trường kinh doanh

Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành nhấn mạnh việc triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, kịp thời hỗ trợ người dân và DN. Theo đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ KH&ĐT tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ cập nhật, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh bao gồm: khởi sự kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho DN. Kế hoạch cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm: nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, kiến nghị các phương án; tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật. Đồng thời, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo…

Trước tình trạng chất lượng hạ tầng, dịch vụ ngành giao thông vẫn còn nhiều “nút thắt”, kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02 của Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp đạt mục tiêu hoàn thiện mạng lưới giao thông vận tải cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hài hòa, hợp lý giữa các phương thức vận tải. Ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ của cách mạng khoa học công nghệ vào dịch vụ vận tải, logistics; nghiên cứu phát triển phương thức vận tải tiên tiến...

Cùng với các bộ, ngành, hàng loạt địa phương như: Thái Nguyên, Lạng Sơn; Lai Châu… đến nay đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu đơn vị để tập trung thực hiện Nghị quyết nhằm xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, thân thiện, thông thoáng, hấp dẫn và hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo.

Nhằm đưa Nghị quyết số 02 vào cuộc sống, dự kiến, trong tháng 2, Bộ KH&ĐT sẽ tổ chức một hội nghị triển khai Nghị quyết theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các hiệp hội DN và DN. Hội nghị tập trung giới thiệu những điểm mới, nội dung quan trọng của Nghị quyết số 02; chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến của các địa phương trong cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh; những kỳ vọng của DN…

Thúc đẩy chuyển đổi số

Một điểm nhấn tại kế hoạch triển khai Nghị quyết 02 của các bộ, ngành địa phương vừa được ban hành là tập trung thực hiện giải pháp chuyển mạnh sang kinh tế số, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh, hỗ trợ DN phục hồi và nắm bắt cơ hội phát triển, thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng 4.0 và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

Nhiều địa phương cũng đặt ra mục tiêu đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến, gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng chính quyền điện tử. Đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính…

Đánh giá cao nội dung của các kế hoạch hành động, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho rằng, chuyển đổi sang kinh tế số, chính phủ điện tử thì mọi thông tin được công khai, minh bạch, người dân và DN đều biết được. Các DN đều có cơ hội tiếp cận cơ hội kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh.

Với sự tích cực của các đơn vị trong việc đưa Nghị quyết 02 vào cuộc sống, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) kỳ vọng, tốc độ cải cách môi trường kinh doanh chậm lại trong suốt 2 năm qua sẽ được tăng tốc.

Theo TS. Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh, để tăng cường hiệu quả thực thi Nghị quyết số 02, các bộ ngành được giao nhiệm vụ cải thiện chỉ số môi môi trường kinh doanh cần ban hành cuốn cẩm nang hướng dẫn địa phương, bởi hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong thực hiện.

Tin cùng chuyên mục