Không để “bó” giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân ở một số địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Một trong những lý do khiến tốc độ giải ngân chậm là khâu thủ tục chuẩn bị thực hiện dự án, đặc biệt là tiến trình lựa chọn nhà thầu chậm trễ, dòng vốn đầu tư công chưa thể chảy nhanh vào nền kinh tế, tạo động lực cho tăng trưởng.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân được trên 44.612 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 8,61% kế hoạch được giao. Ảnh: Lê Tiên
Trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân được trên 44.612 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 8,61% kế hoạch được giao. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân được trên 44.612 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 8,61% kế hoạch được giao, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Theo đó, có 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Tuy nhiện, bên cạnh 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15% kế hoạch năm, còn 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức bình quân chung của cả nước như Đồng Nai (hơn 5,2%), Bình Dương (6,3%)... Trong thời gian tới, các địa phương sẽ cần nhiều nỗ lực hơn trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn, bảo đảm giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công.

Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương rất quyết liệt chỉ đạo thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công. Hầu hết các địa phương đặt mục tiêu giải ngân năm nay trên 90%, thậm chí 100% nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch. Tuy vậy, thực tiễn công tác giải ngân vẫn còn nhiều trở ngại như vấn đề giải phóng mặt bằng, thủ tục thực hiện dự án… cần được tháo gỡ nhanh. Đặc biệt, công tác đấu thầu cần được các địa phương quan tâm đúng mức để vừa rút ngắn thời gian, vừa chọn được nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án. Bởi với nhóm dự án khởi công mới, quy trình lựa chọn nhà thầu diễn ra trong điều kiện thông thường và không có kiến nghị thì cũng mất từ 40 - 60 ngày. Do đó, để bảo đảm mục tiêu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao trong năm nay thì các địa phương, chủ đầu tư không thể chậm trễ hơn trong khâu lựa chọn nhà thầu vì quỹ thời gian năm 2022 đã gần hết 3 tháng.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu, trong tháng 3 năm 2022, lượng thông báo mời thầu, thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia chưa có mức gia tăng đột biến so với 2 tháng đầu năm 2022 cũng như so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ chưa có đột biến tăng về số lượng thông tin đấu thầu mà số lượng các gói thầu có giá trị lớn còn chưa nhiều. Đáng chú ý, lượng thông tin đấu thầu ở các địa phương có kế hoạch vốn đầu tư công cao như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… chưa sôi động. Chỉ dấu này cho thấy, tiến độ chuẩn bị ở các địa phương còn chậm trễ. Thực trạng này, rất có thể khiến các địa phương đi vào “vết xe cũ” là đầu năm thong dong, cuối năm cấp tập lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng và tạm ứng để giải phóng nguồn vốn nhằm bù tiến độ giải ngân.

Nhiều ý kiến từ nhà quản lý, chủ đầu tư cho rằng, cần thực thi thủ tục thực hiện dự án mới trên tinh thần chủ động, chuẩn bị kỹ để khi có vốn tổ chức lựa chọn nhà thầu nhanh, đủ năng lực thực hiện các dự án. Từ thực tế địa phương, ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho rằng, để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, các chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm, chuẩn bị tốt các bước thiết kế, thẩm định bản vẽ thi công, dự toán… trước khi đấu thầu. Ông Tuấn Anh cho biết, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương thường xuyên có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư triển khai đúng tiến độ kế hoạch lựa chọn nhà thầu của các dự án đã được phê duyệt. Đồng thời, nhắc nhở tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật đấu thầu đảm bảo vừa lựa chọn được nhà thầu có năng lực vừa tiết kiệm thời gian. Để xảy ra việc chậm trễ trong đấu thầu, chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước UBND Tỉnh.

Ông Châu Hùng Kỳ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Kiên Giang cũng chia sẻ, nhằm thúc đẩy quá trình lựa chọn nhà thầu, bên cạnh việc chuẩn bị tốt khâu thiết kế, phê duyệt hồ sơ trước khi mời thầu thì Ban rà soát và cố gắng rút ngắn thời gian đấu thầu trong phạm vi luật định. Ví dụ như, đẩy nhanh khâu chấm thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký hợp đồng với nhà thầu. Hiện tiến độ các dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Kiên Giang làm chủ đầu tư được bảo đảm. Tháng 4 tới, Ban sẽ tiến hành lựa chọn nhà thầu hàng loạt gói thầu của nhiều dự án.

Tin cùng chuyên mục