Kido nới room ngoại 100%

Sau khi nới room ngoại tối đa, Kido đặt mục tiêu doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính tăng đột biến lên 7.700 tỷ đồng.
Kido đặt mục tiêu doanh thu tăng hơn 3 lần so với năm ngoái.
Kido đặt mục tiêu doanh thu tăng hơn 3 lần so với năm ngoái.

Tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra sáng nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã CK: KDC) chính thức thông qua tờ trình tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 49% như hiện nay lên 100%.

Ban lãnh đạo Kido cho biết, việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài mang lại cơ hội tốt để tăng tính thanh khoản trên thị trường cho cổ phiếu KDC, cải thiện khả năng huy động vốn trong bối cảnh chi phí vốn vay ngân hàng đang biến động mạnh trong thời gian gần đây. Công ty không quan trọng cán cân tỷ lệ sở hữu giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, miễn việc hợp tác có lợi nhất cho các bên, mà trước mắt là cùng công ty mở rộng sản xuất, theo đuổi các thương vụ mua bán và sáp nhập nhằm tăng vị thế cạnh tranh trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Đối với ngành hàng thực phẩm khô, hiện dầu ăn vẫn là sản phẩm cốt lõi nhưng trong thời gian tới, công ty sẽ đa dạng danh mục sản phẩm thông qua hoạt động mua bán vá sáp nhập. Công ty đang có kế hoạch tấn công vào thị trường thực phẩm đóng gói. Tuy chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể, nhưng ban lãnh đạo công ty cho biết đang thực hiện giai đoạn đầu là trở thành nhà phân phối cà phê, trà và gạo cho một số doanh nghiệp.

Dự kiến vào tháng 8 năm nay, Kido sẽ tung ra mặt hàng mới là tương ớt. Dù triển khai sau nhiều doanh nghiệp trong nước nhưng công ty khẳng định sẽ nhanh chóng có chỗ đứng trong ngành nhờ sản phẩm phong phú, kỹ thuật chế biến tân tiến khi liên kết sản xuất với một công ty Thái Lan.

Đối với ngành hàng đông lạnh, ngoài những sản phẩm chủ lực là kem và bánh bao thì công ty cũng chuẩn bị kinh doanh thêm thực phẩm tươi sống như rau, thịt heo. Trong năm nay, Kido sẽ hoàn tất thủ tục mua lại 50% vốn Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Dabaco (Dabaco Food - trực thực Tập đoàn Dabaco Việt Nam). Đơn vị này sở hữu 3 nhà máy giết mổ, chế biến và bảo quản thịt gia súc, gia cầm… nên sẽ đóng vai trò sản xuất các sản phẩm quan trọng của ngành hàng thực phẩm, còn Kido toàn quyền quyết định sản phẩm, thương hiệu và phân phối.

Để tập trung nguồn lực phát triển các ngành hàng thế mạnh, công ty đã thông qua phương án thay đổi giấy phép đăng ký kinh doanh, trong đó ghi giảm một số ngành nghề như kinh doanh bất động sản, xây dựng công trình dân dụng, dịch vụ quảng cáo…

Lý giải về quyết định này, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu – Phó tổng giám đốc công ty cho biết, chủ trương của Kido là không sử dụng nguồn vốn đầu tư vào bất động sản mà chỉ liên kết với doanh nghiệp trong ngành khai thác và phát triển dự án trên quỹ đất sẵn có. Do đó, việc cắt giảm ngành nghề kinh doanh không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 7.700 tỷ đồng và 490 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu phân theo ngành hàng có sự chuyển dịch rõ rệt. Theo đó, ngành dầu ăn dự kiến nâng tỷ lệ đóng góp doanh thu từ 34,7% lên hơn 75%, còn ngành hàng thực phẩm đông lạnh tiếp tục tăng về giá trị nhưng tỷ trọng giảm mạnh. Mức chia cổ tức năm 2016 là 16% bằng tiền mặt, tương đương 1.600 đồng một cổ phiếu và công ty đặt kế hoạch duy trì tỷ lệ này cho năm nay.

Ông Trần Lệ Nguyên – Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty cho biết, việc chào bán lần đầu ra công chúng 35% cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) mang về thặng dư khoảng 700-800 tỷ đồng.

“Ngoài ra, hiện một số nhà đầu tư Singapore, Indonesia và Malaysia muốn mua lại cổ phiếu quỹ, nhưng công ty quyết định chỉ bán với mức giá trên 50.000 đồng một cổ phiếu. Nếu thương vụ này hoàn tất, công ty dự kiến thu về 2.500 tỷ đồng và sẽ tiến hành trả cổ tức bất thường cho cổ đông”, ông Nguyên nói.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm ngoái, công ty đã thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ với giá không quá 30.000 đồng một cổ phiếu. Tuy nhiên, kế hoạch này đang tạm hoãn do từ thời điểm giữa năm, giá cổ phiếu tăng liên tục từ 27.000 đồng lên hơn 42.000 đồng một cổ phiếu.

Năm 2016, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.238 tỷ đồng, giảm 28,7% so với năm trước nhưng vẫn vượt khá xa kế hoạch. Theo nhận định của ban lãnh đạo công ty, loại trừ các yếu tố bất thường và xét một cách tương đồng thì doanh thu thuần tăng 43,2% nhờ doanh số bán hàng của ngành kem tăng đột biến và hợp nhất hoạt động kinh doanh của Dầu Tường An từ cuối năm.

Lợi nhuận gộp, tính trong chu kỳ tương đối, giảm từ 1.175 tỷ đồng trong năm 2015 xuống còn 874 tỷ đồng. Nếu không kể đến ảnh hưởng từ thoái vốn mảng bánh kẹo thì lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh nhờ vào lợi thế quy mô mảng kem, cộng thêm việc kiểm soát hiệu quả giá nguyên liệu đầu vào.

Tin cùng chuyên mục