Kiến nghị áp dụng chỉ định thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những tồn tại, hạn chế chủ quan trong thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra là do việc lập đồng thời nhiều quy hoạch trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Đoàn giám sát đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15 ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.

Qua rà soát, một trong những tồn tại, hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra là theo quy định tại Điều 6 Luật Đấu thầu, các Viện nghiên cứu thuộc Bộ không được tham dự thầu lập quy hoạch ngành do chính các Bộ đó chủ trì dẫn đến khó khăn và vướng mắc khi lựa chọn đơn vị lập quy hoạch cho các quy hoạch có tính chuyên ngành cao.

Ngoài ra, việc lập đồng thời nhiều quy hoạch cùng một thời điểm trong khi số lượng, chất lượng tổ chức tư vấn hạn chế, việc đấu thầu lựa chọn tư vấn theo quy định của Luật Đấu thầu gặp nhiều khó khăn; số lượng cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn về quy hoạch để tham gia hội đồng thẩm định còn thiếu...

Trong khi đó, một số cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch lại chưa làm tròn trách nhiệm được giao, nhất là trong giai đoạn đầu. Theo đó, việc tham mưu xử lý các vướng mắc liên quan đến kinh phí cho hoạt động quy hoạch, đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Quy hoạch chưa hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ không thể tham gia đấu thầu các gói thầu tư vấn lập quy hoạch do bộ, cơ quan ngang bộ làm chủ đầu tư, trong khi đây là những đơn vị có năng lực và kinh nghiệm, có thông tin và cơ sở dữ liệu tốt nhất đối với việc lập các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng. Vấn đề này xuất phát từ quy định của Luật Đấu thầu để đảm bảo cạnh tranh, tuy nhiên trong trường hợp này lại làm mất đi một nguồn nhân lực có chất lượng khi lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị trong nghị quyết giám sát nên xem xét tháo gỡ vướng mắc này.

Liên quan tới việc lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) bày tỏ quan điểm, hiện nay chưa có các quy định cụ thể về điều kiện năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn phù hợp với từng loại quy hoạch dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong lựa chọn tư vấn lập quy hoạch. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành các quy định về điều kiện, năng lực, tiêu chí, tiêu chuẩn phân hạng tư vấn và công khai danh mục kèm theo năng lực các tổ chức tư vấn lập quy hoạch để các địa phương có căn cứ lựa chọn phù hợp với từng loại quy hoạch. Đồng thời, ban hành đầy đủ các định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với từng loại quy hoạch làm cơ sở cho việc lập và quản lý chi phí lập quy hoạch.

Quy trình lựa chọn tư vấn lập quy hoạch sẽ theo hướng, không cần phải áp dụng phương thức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập quy hoạch và xem xét điều chỉnh theo hướng cho phép các bộ, ngành, địa phương được chỉ định thầu hoặc thi tuyển để lựa chọn tư vấn lập quy hoạch như đã áp dụng đối với tư vấn lập quy hoạch xây dựng thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tạo thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương.

Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, Đoàn kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch. Trong đó, có giải pháp cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành.

Một trong những giải pháp cụ thể được đưa ra là cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa lựa chọn được tư vấn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Tin cùng chuyên mục