Kinh doanh khó khăn, loạt DN trì hoãn chi cổ tức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mới đây, Công ty CP Hưng Thịnh Incons đã có thông báo về việc thay đổi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2021 tỷ lệ 12% (1 cổ phiếu nhận 1.200 đồng) từ ngày 1/7/2024 thành ngày 1/7/2025. Không chỉ Hưng Thịnh Incons, nhiều doanh nghiệp (DN) khác cũng thông báo dời lịch thanh toán cổ tức bằng tiền hoặc thay đổi phương án chi trả cổ tức để giữ lại dòng tiền cho hoạt động kinh doanh.
Công ty CP Hưng Thịnh Incons lùi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2021 tỷ lệ 12% đến ngày 1/7/2025. Ảnh: ST
Công ty CP Hưng Thịnh Incons lùi thời gian thanh toán cổ tức bằng tiền năm 2021 tỷ lệ 12% đến ngày 1/7/2025. Ảnh: ST

Đây là lần thứ tư Hưng Thịnh Incons dời lịch trả cổ tức, thời gian thanh toán ban đầu là ngày 25/11/2022. Dự kiến số tiền Hưng Thịnh phải chi ra là gần 107 tỷ đồng. Cùng với việc trì hoãn thanh toán cổ tức năm 2021, Hưng Thịnh Incons không chi trả cổ tức năm 2022 và 2023 mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận để bổ sung nguồn lực tài chính và vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh.

Một DN có thâm niên trả cổ tức tiền mặt ở mức cao là Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh cũng xin lùi ngày tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 tỷ lệ 20% bằng tiền sang ngày 3/10/2024 thay vì ngày 22/3/2024 như ban đầu. Đây là lần đầu tiên DN này xin “khất” cổ tức do chưa cân đối được nguồn tài chính. Vào đầu tháng 6/2024, Vĩnh Sơn - Sông Hinh đã phải vay Công ty mẹ là Công ty CP Cơ điện lạnh hơn 17,297 triệu USD (tương ứng 441 tỷ đồng) để thanh toán toàn bộ nợ gốc tại Ngân hàng RLB.

Vừa qua, Công ty CP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái khiến cổ đông “hụt hẫng” khi dời ngày thanh toán cổ tức tiền mặt niên độ 2022 - 2023 tỷ lệ 50% sang ngày 31/7, tức muộn hơn 2 tháng do cần thời gian cân đối dòng tiền để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Một số doanh nghiệp khác như Công ty CP Tập đoàn ECI lùi thời gian chi trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 6% bằng tiền lần thứ 5, đến ngày 30/9/2024, do chưa sắp xếp đủ nguồn tiền mặt vì các khách hàng/đối tác gặp khó khăn trong việc thanh toán công nợ; Công ty CP Tư vấn Sông Đà lần đầu điều chỉnh ngày thanh toán cổ tức năm 2022 tỷ lệ 5% bằng tiền sang 31/7, trễ hơn 1 tháng so với thông báo trước đó (28/6/2024); Công ty CP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn thông báo hủy ngày chốt danh sách cổ đông (15/5/2024) thanh toán cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt tỷ lệ 3,5% do chưa đủ nguồn chi trả; Công ty CP Cơ giới và Xây lắp Số 9 lần thứ 5 xin lùi lịch trả cổ tức năm 2018 tỷ lệ 10% bằng tiền sang ngày 4/7/2024 với lý do nguồn tiền thu từ các công trình không đúng theo kế hoạch thu hồi vốn; Công ty CP Đầu tư và Phát triển điện Tây Bắc “chốt” ngày 30/7/2024 để thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 5% sau thời gian trì hoãn để ưu tiên dành nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh…

Do cần tập trung nguồn vốn đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và mở rộng năng lực sản xuất, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đã thay đổi phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền tỷ lệ 30% (1 cổ phiếu nhận 3.000 đồng) sang phương án trả bằng cổ phiếu. Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng thông qua phương án trả cổ tức năm 2024 và 2025 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Việc thay đổi phương án trả cổ tức của Lộc Trời diễn ra trong bối cảnh DN này gặp khó khăn về dòng tiền do chậm thu từ các đối tác mua gạo, nợ vay tăng cao và phát sinh các chi phí từ chênh lệch tỷ giá…

Tương tự, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công thực hiện thưởng cổ phiếu tỷ lệ 10% năm 2023 thay vì trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Công ty CP Nhựa An Phát Xanh không chia cổ tức năm 2023 và thậm chí là những năm tiếp theo. Lý do Công ty đưa ra là có kế hoạch phát triển những dự án mới, đặc biệt là Dự án Nhà máy 8, nhu cầu tiền mặt để đầu tư dự án là rất lớn và điều này sẽ còn kéo dài trong những năm kế tiếp.

Theo khảo sát quý II/2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phần lớn các DN đều gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra, đặc biệt là thị trường đầu ra. Cụ thể, hơn 16.425 DN trong tổng số 30.530 DN được khảo sát đánh giá nhu cầu thị trường trong nước thấp. Hơn 13.311 DN đánh giá tính cạnh tranh trong nước cao. Riêng đối với DN xây dựng, 14.318 DN đánh giá sản xuất kinh doanh khó khăn do không có hợp đồng xây dựng mới. Phần lớn DN được khảo sát kiến nghị giảm lãi suất cho vay để giảm bớt áp lực chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục