Kỳ vọng bước tiến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm lại trong những năm gần đây, song quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã đạt được một số kết quả nhất định. Quá trình này được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả tích cực hơn trong thời gian tới nếu hành lang pháp lý về quản lý vốn nhà nước được hoàn thiện, công tác quản trị DN có chuyển biến về chất.
Nghị quyết số 01/NQ-CP yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thông qua đổi mới quản trị, tối ưu hóa các phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Tiên
Nghị quyết số 01/NQ-CP yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thông qua đổi mới quản trị, tối ưu hóa các phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Tiên

Nhiệm vụ 2025

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 17/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN giai đoạn 2021 - 2024; các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Thông báo cho biết, giai đoạn 2021 - 2024, công tác sắp xếp, cơ cấu lại DNNN và phát triển DN đạt một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn hạn chế, số lượng DNNN được phê duyệt đề án cơ cấu lại ít (đạt 17% về số lượng), còn 559 DN chưa được phê duyệt. Bên cạnh đó, còn một số tồn tại, vướng mắc, vấn đề mới phát sinh cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lại để có giải pháp phù hợp như khó khăn trong việc xác định đúng, đầy đủ giá trị vốn nhà nước tại DN khi thực hiện thoái vốn nhà nước, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất…

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN năm 2025 rất nặng nề khi vừa phải tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách (Luật thay thế Luật số 69/2014/QH13 về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN), tinh gọn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Đảng, Nhà nước (chấm dứt hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN), vừa phải tiếp tục tháo gỡ các tồn tại, khó khăn, thúc đẩy cơ cấu lại DNNN, phát triển DN.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, cơ quan đại diện chủ sở hữu tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng, phê duyệt, triển khai đề án cơ cấu lại của tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN; chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất định hướng, cách thức triển khai cơ cấu lại, sắp xếp lại, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN; tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước trong giai đoạn 2026 - 2030; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2025.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN cũng là nội dung được chú trọng tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 được ban hành mới đây. Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu nâng cao hiệu quả đầu tư, hoạt động của DNNN một cách toàn diện, minh bạch, hiệu quả, bền vững, bảo đảm tương xứng với nguồn lực nắm giữ thông qua đổi mới quản trị, tối ưu hóa các phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo DN không phải là đảng viên; xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, tiền lương phù hợp.

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế. Ảnh: Nhã Chi

Cần chuyển biến cả chất và lượng

Đánh giá về quá trình tái cơ cấu DNNN năm 2024 trong thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, một trong những điểm sáng là DNNN được sắp xếp lại thực chất, hiệu quả hơn. Chỉ riêng các DN 100% vốn nhà nước, dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ (0,08%) về số lượng DN trong nền kinh tế, nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn, khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ DN trong nền kinh tế. Quy mô tài sản, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước tăng trưởng dương (lãi trước thuế bình quân tăng 25%), tạo động lực đáng kể để phát triển kinh tế, đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.

Hoạt động đầu tư của DNNN trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn then chốt, quan trọng của nền kinh tế đã giúp giảm bớt đầu tư từ ngân sách nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước. Các DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là các DN đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt trong các lĩnh vực sản xuất mà DNNN tham gia như bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, viễn thông; xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như dịch vụ vận tải (Vietnam Airlines), cảng biển và logistics (Saigon Newport)…

Bên cạnh các kết quả đạt được, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình cơ cấu lại DNNN còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo về “chất” cũng như về “lượng”. Cụ thể, công tác đổi mới quản trị DN trong điều hành sản xuất kinh doanh còn chậm, chưa thực sự hướng theo các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt, phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại; công nghệ và công cụ quản trị kinh doanh chậm đổi mới; chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm như đối với viên chức nhà nước không tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường.

DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực DN Việt Nam như công nghệ cao; các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa như cơ khí chính xác, sản xuất, chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh, công nghệ nguồn.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN chậm lại do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là do dịch bệnh, thiên tai khiến nền kinh tế khó khăn nên hoạt động bán vốn nhà nước tại DN không dễ thực hiện. Nhiều DN thuộc diện cổ phần hóa là các DN lớn với tổng tài sản, diện tích đất đai sở hữu lớn nên các bước thực hiện rất phức tạp và đòi hỏi sự thận trọng nhất định. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều “khúc mắc” trong việc xử lý các vấn đề về đất đai của DNNN.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, có thể nhận thấy rõ vai trò nổi bật của một số DN/tập đoàn nhà nước lớn trong nền kinh tế những năm gần đây với hiệu quả hoạt động tích cực, phương thức quản trị hiện đại, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của ngành. Do đó, bên cạnh việc thực hiện các phương án cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại DN, cần chú trọng xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ và tạo điều kiện để các DNNN phát huy nguồn lực, đảm đương các trọng trách được Nhà nước giao phó.

Cũng theo ông Thịnh, việc thí điểm thuê người nước ngoài và nhân sự không phải là đảng viên có năng lực tốt làm lãnh đạo DN như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Nghị quyết 01 là bước đi phù hợp trong giai đoạn cần tăng cường năng lực quản trị của DNNN hiện nay. Bên cạnh đó, nếu việc sửa đổi Luật số 69/2014/QH13 đạt được mục tiêu xây dựng cơ chế chủ động trong việc sử dụng và quản lý nguồn vốn nhà nước sẽ tạo điều kiện cho nhiều DN phát huy hiệu quả nguồn vốn nhà nước. “Vấn đề là làm thế nào để các lãnh đạo DN và người có trách nhiệm quản lý vốn nhà nước dám nghĩ và dám làm”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục