Kỳ vọng có chuyển biến lớn trong tư duy quản lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều tồn tại, bất cập trong pháp luật kinh doanh đã được cơ quan nhà nước lắng nghe và từng bước tháo gỡ. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn còn một số vướng mắc chưa được giải quyết triệt để, một số chính sách chưa phù hợp, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ về tư duy quản lý để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp lớn mạnh.
Nhiều đạo luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… đã được thông qua nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều đạo luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… đã được thông qua nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam năm 2023 vừa được VCCI công bố, trong năm, VCCI tập hợp và gửi gần 100 vướng mắc, bất cập từ phản ánh của doanh nghiệp tới các cơ quan hữu quan về các quy định gây tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh như: quy chuẩn xây dựng về phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra hàng vận chuyển quá cảnh; trần chi phí lãi vay trong giao dịch liên kết với ngân hàng; hợp quy thuốc thú y…

Phần lớn những kiến nghị từ VCCI đã nhận được phản hồi, trong đó có nhiều điểm được ghi nhận; nhiều cơ quan chức năng cho biết sẽ có kế hoạch rà soát và sửa đổi các quy định cản trở hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để giải đáp các vướng mắc và tìm hướng giải quyết. Nhiều đạo luật quan trọng, có tính chất nền tảng với nền kinh tế như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi… đã được thông qua. Các hoạt động cải cách, cắt giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ. Chính phủ đang có kế hoạch rà soát, sửa đổi những quy định pháp luật gây khó khăn, vướng mắc, chưa phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế của doanh nghiệp. Chẳng hạn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì sửa đổi căn bản Nghị định về kinh doanh xăng dầu… Ngay cả khi một số ý kiến về các vấn đề lớn chưa được tiếp thu (về đất ở và đất khác), các cơ quan nhà nước cũng đã cân nhắc phương án thí điểm để đánh giá.

Dù vậy, đại diện VCCI cho rằng, một số vướng mắc vẫn chưa được giải quyết triệt để, chưa có sự thống nhất về quan điểm giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp còn băn khoăn về tính thực chất của cải cách. Một số chính sách chưa phù hợp với thực tiễn. Nhiều doanh nghiệp đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của các chính sách liên quan đến yêu cầu chuyển đổi xanh như: chế định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR); sự chồng lấn về quản lý khiến doanh nghiệp phải gia tăng về nghĩa vụ thực hiện trong các quy định liên quan đến giảm phát thải nhà kính, tiết kiệm năng lượng…

Những vướng mắc, bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa được tháo gỡ triệt để

Những vướng mắc, bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa được tháo gỡ triệt để

Lấy ví dụ về chính sách xăng dầu, đại diện VCCI cho biết, Nhà nước đang can thiệp trực tiếp vào giá thành, quy định rất chặt chẽ phương thức kinh doanh, tổ chức hệ thống phân phối, yêu cầu doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phải dự trữ lưu thông, nhập khẩu số lượng tối thiểu; quy định số lượng đầu mối mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu được nhập… Đối với thủ tục trong quản lý giá, Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình về lý do điều chỉnh giá khi làm thủ tục kê khai giá… “Những chính sách quản lý này làm giảm sự năng động, cạnh tranh trên thị trường và tác động khá lớn đến doanh nghiệp khi có những biến động trên thị trường”, ông Công đánh giá.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2023, có 16 luật, 96 nghị định, 33 quyết định, 510 thông tư được ban hành. Xét về khối lượng công việc, công tác lập pháp và lập quy năm 2023 là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những vấn đề bất cập đã kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ví dụ bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy đã được doanh nghiệp phản ánh từ năm 2020, nhưng đến nay vẫn đang nằm ở bước dự thảo hướng dẫn. Nguyên nhân của sự chậm trễ này một phần là do yêu cầu chặt chẽ quá, vì đòi hỏi đạt được sự đồng thuận của 100% bộ, ngành là rất khó.

Bên cạnh đó, bà Thảo cho rằng, việc thu hẹp ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chưa thực chất, chưa đúng tinh thần cải cách tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Điều này gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng chi phí và rủi ro, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh; tạo dư địa tham nhũng…, kìm hãm sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

“Các bộ ngành cần chủ động hơn trong việc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi các điều khoản bất cập. Có thể đề nghị ban hành một luật sửa nhiều luật như cơ chế mà Quốc hội đã cho phép. Điều này sẽ loại trừ được những lo ngại rủi ro vượt quá thẩm quyền ban hành. Cùng với đó, cần tăng cường vai trò đánh giá độc lập của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy tiến độ xử lý bất cập của các cơ quan quản lý nhà nước”, bà Thảo đề xuất.

Đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan nhà nước trong xây dựng và thực thi chính sách trong suốt một năm qua, nhưng theo ông Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp. Lãnh đạo VCCI kỳ vọng sẽ được nhìn thấy những chuyển biến lớn về tư duy quản lý trong thời gian tới. “Với sự vận động không ngừng của hoạt động kinh tế, một số chính sách đã không còn phù hợp và cần thay đổi đột phá, chuyển đổi theo hướng thị trường mạnh mẽ hơn”, đại diện VCCI nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục