Kỳ vọng mới về Vinamilk qua bộ nhận diện mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những ngày đầu tháng 7/2023 đánh dấu mốc trong hành trình gần nửa thế kỷ của doanh nghiệp sữa lớn thứ 36 trên thế giới về doanh thu - Vinamilk thay đổi nhận diện thương hiệu gần 50 năm hình thành và phát triển.

Được xem là "cổ phiếu quốc dân" nhưng những năm gần đây, cổ phiếu VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk lại khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn về bài toán đi tìm động lực tăng trưởng mới. Trước tình hình đó, VNM đã bước vào cuộc tái cấu trúc mạnh mẽ với bước đi đầu tiên ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới sau gần 5 thập kỷ, thể hiện tinh thần táo bạo, quyết tâm, luôn là chính mình.

Logo mới của Vinamilk tạo nên "cơn sốt" trên mạng xã hội ngay sau khi ra mắt. Nguồn: Vinamilk

Logo mới của Vinamilk tạo nên "cơn sốt" trên mạng xã hội ngay sau khi ra mắt. Nguồn: Vinamilk

Thay đổi nhận diện thương hiệu - Bước đi đầu tiên trong chiến lược tái cấu trúc toàn phần

Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Vinamilk cho biết, thay đổi nhận diện thương hiệu là nỗ lực tái định vị, đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình hiện đại hóa trải nghiệm cho người dùng và tạo đà bứt phá trong tương lai.

Tái định vị thương hiệu chỉ là bước đầu trong chiến lược 5 năm tới của hãng, đi cùng đó là hàng loạt thay đổi trong chuyển đổi số, tuyển dụng nhân sự, quy trình quản trị,... với mục tiêu tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn, hiệu quả hơn.

"Một thương hiệu muốn tồn tại 100 hay 200 năm luôn phải thay đổi với điều kiện thực tế. Trong suốt 47 năm hình thành và phát triển, Vinamilk cũng đã thay đổi nhiều lần và lần thay đổi này không phải là ngoại lệ", bà Mai Kiều Liên chia sẻ. "Quan trọng hơn, Vinamilk sẽ luôn giữ giá trị của mình - đó là đem đến những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng", vị CEO nói tiếp.

Bộ nhận diện mới đang được triển khai trên toàn hệ thống Vinamilk bao gồm website, kênh bán hàng trực tuyến, điểm bán lẻ, hệ thống cửa hàng và các ấn phẩm thương hiệu bao bì sản phẩm…

Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, đây là đợt tái cấu trúc danh mục sản phẩm lớn nhất của Vinamilk trong thập kỷ qua, điều này được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện doanh thu và giúp Công ty giành lại thị phần trong thời gian tới.

Công ty CP Chứng khoán VietCap (VCSC) cho rằng, hình ảnh bắt mắt mới của sản phẩm VNM sẽ có hiệu quả trong việc tạo được ấn tượng ban đầu mạnh mẽ từ khách hàng. Những thiết kế này sẽ giúp VNM thu hút sự chú ý của người tiêu dùng đối với các sản phẩm của Công ty.

Ngoài ra, VCSC tin rằng, mạng lưới phân phối rộng khắp của VNM bao gồm 200 nhà phân phối độc quyền và 210.000 điểm bán hàng tại kênh truyền thống cũng như 8.000 điểm bán hàng kênh hiện đại là lợi thế vì các kênh bán hàng này có thể giúp quảng bá nhận diện thương hiệu mới của Công ty.

Để thu hút và giữ chân khách hàng trong tương lai, VCSC cho rằng, VNM cần thực hiện những hoạt động quảng cáo và khuyến mãi hiệu quả cũng như duy trì chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng cũng cần xem xét và đánh giá thêm về những kết quả đạt được sau việc thay đổi nhận diện thương hiệu trước khi có thể xác định chiến lược này có thành công hay không. Trong báo cáo cập nhật gần nhất, VCSC kỳ vọng, VNM sẽ dần lấy lại thị phần từ năm 2024 và dự báo doanh thu của Công ty sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 6% trong giai đoạn 2023 - 2027.

Những con số tăng trưởng đầu tiên của quý II

Theo báo cáo sơ bộ tình hình kinh doanh nửa đầu năm nay, "ông lớn ngành sữa" ghi nhận tổng doanh thu quý II/2023 đạt 15.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.220 tỷ đồng.

Kết quả này tăng trưởng lần lượt 1,6% và 5,6% so với cùng kỳ năm trước; tăng 8,9% và 16,5% so với quý I/2023. Như vậy, lợi nhuận của Vinamilk đã tăng liên tiếp 2 quý sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cũng như tình hình kinh tế vĩ mô thế giới.

Lũy kế 6 tháng, ước tính doanh thu của VNM đạt gần 29.200 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 4.100 tỷ đồng. So với mục tiêu đặt ra tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Vinamilk thực hiện được 46% kế hoạch doanh thu và gần 48% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Triển vọng cho nửa cuối năm

Báo cáo triển vọng giữa năm 2023 do Chứng khoán Bảo Việt (BVS) phát hành hôm 20/6 nhận định, nửa cuối năm nay sẽ là thời điểm cho các nhóm ngành vốn hóa lớn có cơ hội tỏa sáng. Với cơ cấu tài chính khỏe mạnh và lượng tiền mặt dồi dào, BVS kỳ vọng giá sữa bột nguyên liệu đang có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ góp phần đưa biên lợi nhuận của VNM dần cải thiện từ quý III.

BVS cũng cho rằng, VNM vẫn sẽ nắm giữ thị phần nhiều nhất tại Việt Nam. Công ty chứng khoán này đề cao xu hướng phân hóa, đa dạng hóa sản phẩm và mạnh dạn "tấn công" vào các phân khúc ngách của VNM.

Nhóm chuyên gia phân tích SSI cũng nhận thấy, chi phí đầu vào (sữa bột nhập khẩu) thấp hơn sẽ bắt đầu tác động tích cực đến tỷ suất lợi nhuận gộp của Vinamilk kể từ quý II, qua đó nâng tỷ suất lợi nhuận gộp lên gần 40%, tăng so với mức 38.8% của quý I.

Giá sữa bột nguyên kem trong vòng 1 năm qua. Nguồn: Global Dairy Trade

Giá sữa bột nguyên kem trong vòng 1 năm qua. Nguồn: Global Dairy Trade

Các chuyên gia VNDirect dự báo, lợi nhuận ròng của VNM có thể tăng trưởng 6,6% trong năm 2023 và 8,1% trong năm 2024. Trong đó, lợi nhuận ròng được công ty chứng khoán ước tính tăng 15,8% trong giai đoạn quý II - IV/2023.

Với những triển vọng về giá nguyên liệu cùng sức bật của biên lợi nhuận trong nửa cuối năm, cổ phiếu VNM tiếp tục được xem là sự lựa chọn cân bằng giữa cơ hội và rủi ro cùng đa dạng hóa danh mục cho giới đầu tư.

Chốt phiên 24/7, cổ phiếu VNM đóng cửa ở mức 75.000 đồng/CP, tăng 14,5% so với mức thấp nhất từ đầu năm tới nay. Thanh khoản cổ phiếu VNM cũng khởi sắc kể từ giữa tháng 6 đến nay, với lượng giao dịch bình quân mỗi phiên đạt hơn 6,1 triệu đơn vị.

Về yếu tố định giá, P/E của cổ phiếu VNM đang dao động ở mức 19 lần, thấp hơn trung bình ngành là 21,63 lần. Như vậy, cổ phiếu VNM vẫn đang giao dịch dưới định giá trung của ngành và còn dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.

Diễn biến cổ phiếu VNM trong các tháng gần đây. Nguồn: VietstockFinance

Diễn biến cổ phiếu VNM trong các tháng gần đây. Nguồn: VietstockFinance

Đánh giá thị trường sữa, lãnh đạo Công ty khẳng định, thị trường sữa Việt Nam vẫn chưa bão hòa. "Mức tiêu thụ sữa bình quân trên đầu người của Việt Nam còn thấp nên thị trường sữa Việt Nam chưa bão hòa. Vinamilk sẽ tập trung đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ở 3 khía cạnh là chất lượng, giá cả và dịch vụ để tăng trưởng doanh số, thị phần", bà Liên chia sẻ.

Bên cạnh đó, tại các thị trường quốc tế, doanh nghiệp này đã ký được nhiều hợp đồng với tổng trị giá 100 triệu USD cho 6 tháng đầu năm và hiện đang tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, gần đây nhất là hội chợ quốc tế tại Quảng Châu, Trung Quốc, nhằm mở rộng các cơ hội tăng trưởng hướng đến mục tiêu doanh thu 6 tháng cuối năm.

Tin cùng chuyên mục