Báo cáo PCI 2023: Doanh nghiệp đối mặt với khó khăn gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo cáo PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện. Tuy vậy, một số khó khăn, trở ngại đang có chiều hướng gia tăng khiến doanh nghiệp (DN) kém lạc quan hơn về triển vọng kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng. Ảnh: Tiên Giang
Nhiều doanh nghiệp phản ánh trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng. Ảnh: Tiên Giang

Một số chuyển biến tích cực

Thông tin về Báo cáo PCI 2023, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI cho biết, chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện với điểm số chỉ số PCI tổng hợp năm 2023 tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022.

Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ, lọt TOP 10 địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất cả nước như: Bến Tre, Hậu Giang và Phú Thọ. Cùng với đó là xu hướng bứt tốc của nhóm địa phương đứng cuối bảng khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm, tăng 1,79 điểm so với tỉnh đứng cuối PCI 2022 (59,58 điểm).

Theo phản ánh của hơn 10.000 DN tham gia khảo sát PCI 2023, hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ DN năm 2023 đều có sự cải thiện. Chi phí không chính thức tiếp tục giảm, từ mức 66% của các năm 2015 - 2016 còn 33,3% năm 2023. Thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong đăng ký DN. Cải cách TTHC có tiến bộ, khoảng 77% DN được khảo sát cho biết việc thực hiện TTHC trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho DN so với các phương thức truyền thống.

Đại diện VCCI cho rằng, đạt được kết quả này là nhờ nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương. Thực tế trong năm 2023, các địa phương trên cả nước đã tích cực triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như các nhiệm vụ được Chính phủ phân công về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Không chỉ khu vực tư nhân trong nước, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knapper đánh giá, các DN đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch Covid-19, đồng thời gánh nặng thực thi pháp luật và những phiền hà trong thực hiện TTHC đã giảm theo thời gian.

Gia tăng thách thức, trở ngại

So với năm 2022, Báo cáo PCI 2023 cho thấy, một số trở ngại với DN đang có chiều hướng tăng như: tiếp cận tín dụng, biến động thị trường, biến động chính sách - pháp luật, tuyển dụng nhân sự thích hợp, tìm kiếm nhà cung cấp, thiên tai - biến đổi khí hậu, TTHC, cơ sở hạ tầng, mặt bằng kinh doanh…

Đặc biệt, nhiều DN phản ánh trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng; môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với DN nhỏ và vừa; tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Năm 2023, điểm số trung bình chỉ số thành phần tiếp cận đất đai chỉ đạt 6,75 điểm, giảm đáng kể so với năm 2022 (6,94 điểm) và năm 2021 (7,01 điểm). Trong đó, tỷ lệ DN phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC đất đai lên tới 73% năm 2023, trong khi năm 2022 và năm 2021 lần lượt ở mức 42,9% và 53,9%.

Bối cảnh nêu trên, theo ông Đậu Anh Tuấn, đã khiến cho mức độ lạc quan của DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài ở mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, lần lượt là 27% và 26%.

Để tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, tháo gỡ những rào cản, đại diện Nhóm nghiên cứu PCI 2023 cho rằng, chính quyền các địa phương cần tiếp tục cải cách TTHC, giảm gánh nặng chi phí cho DN, cả chi phí chính thức và không chính thức trong các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường… Trong đó, để cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, cần thực hiện hiệu quả Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn theo hướng đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết và cung cấp thông tin minh bạch hơn. Đặc biệt, sự năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh, thành phố sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giúp các DN vượt khó.

Ngay cả với những tỉnh nhóm đầu PCI 2023, theo ông Đậu Anh Tuấn, cũng đang đứng trước áp lực lớn từ việc vừa phải sáng tạo hơn trong tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, vừa phải duy trì hiệu quả các nỗ lực cải cách trong bối cảnh nhiều tỉnh nhóm sau đang vươn lên mạnh mẽ. Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… cần quan tâm nhiều hơn đến DN nhỏ và vừa, tính minh bạch, chi phí không chính thức, bên cạnh ứng dụng công nghệ thông tin, còn phải tăng mức độ tương tác, đối thoại với DN ở nhiều cấp, ngành…

Ông Phạm Tấn Công cho rằng, hơn bao giờ hết, chính quyền các địa phương cần xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của cán bộ, thúc đẩy môi trường kinh doanh bình đẳng và tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC.

Ông Trần Quốc Văn - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên

Năm 2022, Hưng Yên tăng 14 bậc trong Chỉ số PCI, năm 2023 tăng 2 bậc lên vị trí 12/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 6 chỉ số thành phần tăng đáng kể như gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền… Để duy trì tốc độ cải thiện chỉ số PCI trong các năm qua và hướng đến mục tiêu tiến lên TOP 10 PCI, lãnh đạo Tỉnh đang tập trung bàn, tìm giải pháp đột phá để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Trước mắt, Tỉnh sẽ đồng hành cùng DN để có mặt bằng sạch, chuẩn bị sẵn các khu, cụm công nghiệp; đồng thời chỉ đạo các ngành khi có đầy đủ hồ sơ hợp lệ phải trình lãnh đạo Tỉnh ngay trong ngày để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho DN.

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Quảng Ninh

Mặc dù là địa phương liên tục dẫn đầu trong 7 năm liền thực hiện khảo sát PCI, nhưng năm 2023, điểm số tổng hợp của Tỉnh chỉ đạt 71,25 điểm, giảm 1,7 điểm so với năm 2022. Kết quả này phản ánh đúng thực tế, đâu đó vẫn có DN chưa hài lòng về TTHC như tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền địa phương… Đây cũng là khó khăn, thách thức chung của nhiều địa phương hiện nay.

Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang

Việc cải thiện môi trường kinh doanh chững lại một phần do chính sách pháp luật còn nhiều bất cập, khó áp dụng; siết chặt quản lý nhà nước khiến thời gian giải quyết TTHC chậm, kéo dài. Do đó, Nhà nước cần sớm giải quyết các chồng chéo, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, khi đó mới có thể giải quyết nhanh chóng TTHC, tạo thuận lợi cho DN hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục