Kỳ vọng tín dụng tăng trưởng khả quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ đà tăng mạnh của dòng vốn tín dụng trong quý I, sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế và triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội, nhiều dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay có thể cao hơn mức mục tiêu 14%.
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022. Ảnh: Lê Tiên

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2022 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I/2022 có sự cải thiện so với quý trước nhưng chưa được như kỳ vọng. Phần lớn các TCTD (73,1 - 80,8%) kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với năm 2021.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, tương đương mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước.

Đại hội đồng cổ đông của nhiều ngân hàng được tổ chức gần đây đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm nay. Đơn cử, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên đến 30%. Mức tăng trưởng này được cho là phù hợp với năng lực phát triển, khả năng quản trị rủi ro cùng kỳ vọng NHNN sẽ nới room tín dụng.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm 2021, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đạt 25%.

Năm 2022, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 14%, song mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 20% hoặc cao hơn tùy theo phê duyệt của NHNN. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), mức tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến từ 18 - 20%. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, tăng trưởng tín dụng quý I đạt 5,2% so với cuối năm 2021, phấn đấu đạt mức 16% trong năm nay.

Theo Trung tâm Phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research), hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7% - 15%, cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng sẽ duy trì ở mức tương đối cao, có thể đạt 14 - 15%.

NHNN cho biết, tín dụng quý I tăng 5,04%, gấp 4 lần mức tăng quý I/2021 (tăng 1,26%). Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, dịch bệnh đã giảm bớt, các doanh nghiệp đang tích cực khôi phục sản xuất kinh doanh, người dân cũng đang trở lại cuộc sống bình thường nên nhu cầu vốn tăng khá cao. Tín dụng tăng mạnh trong quý I chứng tỏ nền kinh tế khởi sắc, khôi phục một cách rất tích cực.

Năm 2022, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng 14%, song mục tiêu này có thể điều chỉnh vào cuối năm tùy tình hình thực tế. NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh để mức tín dụng đảm bảo phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như kiểm soát lạm phát.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu 14% năm nay là hoàn toàn khả thi và phù hợp. Năm ngoái, trong bối cảnh dịch bệnh tác động mạnh, tăng trưởng tín dụng vẫn đạt 13,6%. Năm nay, dù dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng song tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Bên cạnh đó, việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

“Điểm tích cực là thời gian qua, nhiều nhà băng đã trích lập dự phòng rủi ro ở mức cao nên có thể yên tâm về chất lượng các khoản tín dụng. Tuy nhiên, vẫn cần rất chú trọng giám sát dòng vốn này để tránh tình trạng tăng nóng ở những kênh đầu tư nhiều rủi ro. Hơn nữa, với diễn biến kinh tế khởi sắc, việc điều chỉnh hạn mức tín dụng cũng cần được thực hiện linh hoạt hơn để các ngân hàng kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh, đặc biệt là thời điểm cuối quý và cuối năm”, ông Lực nói.

Tin cùng chuyên mục