“Tăng liều” giải pháp kiểm soát tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất, tỷ giá USD/VND tiếp tục ở mức cao. Giới phân tích cho rằng, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải tính tới việc tăng liều lượng các giải pháp can thiệp thị trường để kiểm soát tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
NHNN có thể phải tính tới việc tăng liều lượng các giải pháp can thiệp thị trường để kiểm soát tỷ giá.
NHNN có thể phải tính tới việc tăng liều lượng các giải pháp can thiệp thị trường để kiểm soát tỷ giá.

Ngày 6/5, NHNN niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 24.245 đồng, tăng 4 đồng so với phiên trước. Giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại phổ biến ở mức 25.457 đồng, gần như không đổi so với mức giá của tuần trước; giá mua USD phổ biến ở mức 25.157 đồng, tăng khoảng 30 đồng.

Trên thị trường thế giới, chỉ số DXY - thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ở mức 105,106 điểm, hầu như không đổi so với phiên giao dịch trước đó.

Số liệu từ NHNN cho biết, từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng 4,9%, mức tăng giá lớn nhất trong nhiều năm qua, song vẫn ở mức tích cực so với nhiều đồng tiền khác. Đơn cử đồng Yên Nhật Bản mất giá 9,69%, đồng Franc Thụy Sĩ mất 8,22%; đồng Baht Thái Lan mất giá 7,13%; đồng Won Hàn Quốc mất giá 6%...

Giới phân tích cho rằng, khi xem xét các áp lực đối với tỷ giá hiện nay, cần lưu ý động thái điều hành lãi suất của Fed. Ngày 1/5, Fed thông báo giữ nguyên lãi suất ở biên độ 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn 20 năm. Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCBS, việc Fed giữ nguyên lãi suất và chỉ số DXY ở mức cao trong khi lãi suất VND duy trì ở mức thấp khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực.

Theo VCBS, NHNN buộc phải có các biện pháp mạnh để can thiệp thị trường như: bán ngoại tệ theo hình thức giao ngay cho các tổ chức tín dụng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ, tổ chức các phiên đấu thầu vàng trong bối cảnh giá vàng trong nước chịu áp lực tăng cao.

“Ở thời điểm này, mức giảm giá của VND so với nhiều quốc gia khác đang ở mức trung bình. Tuy nhiên, mức giảm gần 5% đã đến ngưỡng buộc NHNN phải có các biện pháp mạnh hơn. Trong thời gian tới, diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung ngoại tệ tại từng thời điểm. Vào thời điểm cuối năm, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, trong điều kiện thuận lợi DXY không tăng và thậm chí giảm nhẹ, cùng các giải pháp điều hành linh hoạt của NHNN, VND có thể giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD”, VCBS dự đoán.

Theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 ước khoảng 93 - 100 tỷ USD. Do đó, dư địa can thiệp là có, song khả năng kiểm soát mức mất giá của VND trong phạm vi 5% sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến bên ngoài. Trong trường hợp chỉ số DXY tiếp tục tăng vượt ngưỡng 110 điểm thì tỷ giá cũng khó có thể kiềm giữ ở mức 5%.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, đầu năm nay, NHNN đặt mục tiêu kiểm soát tỷ giá USD/VND ở khoảng 3%, song với bối cảnh Fed giữ lãi suất ở mức cao, nhu cầu đồng USD lớn, kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn thì việc giữ được mục tiêu này sẽ rất thách thức.

Về biến động tỷ giá trong thời gian tới, NHNN dự báo tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nhập khẩu dự báo tăng cao; áp lực dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng lớn trong bối cảnh dư nợ tín dụng tiếp tục tăng thấp; chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Tỷ giá tăng tạo áp lực lên lạm phát, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất và làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với dòng vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết, trước biến động lớn của tỷ giá, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, có biện pháp mạnh là bán dự trữ ngoại hối ngày 19/4/2024 để ổn định thị trường ngoại tệ. Ở góc độ NHNN, vấn đề hiện nay là làm sao để duy trì lãi suất như hiện nay, đồng thời giữ tỷ giá ổn định. Các giải pháp NHNN tiếp tục thực hiện để ổn định tỷ giá là điều tiết lượng tiền trong lưu thông bằng các nghiệp vụ “bơm, hút” tiền tệ, điều hành tỷ giá trung tâm, chống đầu cơ và tích trữ ngoại tệ, đẩy mạnh hoạt động mua bán kỳ hạn với ngoại tệ, tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp thị trường khi cần thiết. Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cho vay ngoại tệ với các lĩnh vực ưu tiên xuất khẩu. Đồng thời, NHNN sẽ điều hành điều hành chính sách lãi suất linh hoạt, tính toán mức độ hài hòa để đạt được cả 2 mục tiêu ổn định tỷ giá và giữ lãi suất ở mức hỗ trợ tốt cho nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục