Lãi suất huy động khó giảm

(BĐT) - Dù một số ngân hàng thương mại vừa giảm nhẹ lãi suất huy động nhưng theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán (CTCK) SSI, từ giờ đến cuối năm, lãi suất huy động vẫn khó giảm do tính mùa vụ.
 Một số ngân hàng thương mại công bố điều chỉnh giảm nhẹ 10 - 20 điểm cơ bản trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi. Ảnh: Lê Tiên
Một số ngân hàng thương mại công bố điều chỉnh giảm nhẹ 10 - 20 điểm cơ bản trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi. Ảnh: Lê Tiên

Thống kê của SSI cho biết, trong tuần, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành 46 nghìn tỷ đồng tín phiếu và có 52 nghìn tỷ đồng tín phiếu đến hạn, tương đương bơm ròng 6.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng.

Kênh thị trường mở (OMO) vẫn không phát sinh giao dịch mới, duy trì số dư bằng 0. Nhu cầu gia tăng dự trữ bắt buộc vào đầu tháng khiến thanh khoản bớt dồi dào, lãi suất trên liên ngân hàng nhích tăng khoảng 30 điểm cơ bản, lên mức 2,2%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,4%/năm với kỳ hạn 1 tuần – hiện ở vùng tương đương với lãi suất tín phiếu và cao hơn lãi suất USD trên liên ngân hàng khoảng 50 điểm cơ bản.

Tuần qua, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm nay, xuống mức 1,25%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2010 để kích thích nền kinh tế và cải thiện tình trạng lạm phát thấp. Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PboC) cũng hạ lãi suất cho vay trung hạn kỳ hạn 1 năm từ 3,3% xuống 3,25%/năm - mức không nhiều nhưng được kỳ vọng là mở đường cho cắt giảm lãi suất cơ bản trong nhưng ngày sắp tới.

Trước đó, các quốc gia Châu Á như Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines cũng đã hạ lãi suất từ 2 đến 4 lần. Một số nước như Ấn Độ, Indonesia còn nới lỏng tài khóa thông qua chương trình giảm thuế khá mạnh để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, NHNN Việt Nam cũng có động thái nới lỏng hơn khi gia tăng lượng tiền đồng thông qua bơm ròng trên thị trường mở và các giao dịch mua ngoại tệ. Mới đây, trong bài phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.

Tuy vậy, theo nhóm nghiên cứu của SSI, trong ngắn hạn từ giờ đến cuối năm, lãi suất trên thị trường 1 (lãi suất huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế) vẫn khó giảm do tính mùa vụ. Dù một số ngân hàng thương mại công bố điều chỉnh giảm nhẹ 10 - 20 điểm cơ bản trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi, mức giãn cách giữa các nhóm ngân hàng thương mại vẫn rất rộng.

Cụ thể, lãi suất huy động phổ biến trong khoảng 4,1 - 5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3 - 7,8%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 - 8,1%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng.

Tin cùng chuyên mục