Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, cuối tháng 2/2023, UBND tỉnh tổ chức kiểm tra hiện trường nạo vét lòng hồ thủy điện trên địa bàn huyện Đơn Dương và Đức Trọng và nắm được tình hình triển khai thực hiện đấu giá lượng khoáng sản thu hồi của các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động nạo vét trong phạm vi lòng hồ thủy lợi, thủy điện trên địa bàn quản lý.
Các sở đã chủ động hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện hồ sơ thủ tục, tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi đã được thu hồi, tận thu trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện rất chậm, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và nguồn cung vật liệu xây dựng.
Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao thường xuyên kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện nạo vét thu hồi khoáng sản trong phạm vi lòng hồ thủy lợi, thủy điện theo đúng phạm vi, ranh giới, nội dung theo giấy phép đã cấp; chấp hành các quy định về an toàn lao động đường thủy và chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan; thông tin tuyên truyền và yêu cầu tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động khoáng sản thu hồi sau nạo vét là tài sản nhà nước.
Vì là tài sản nhà nước nên UBND Tỉnh yêu cầu trong quá trình nạo vét, nếu phát hiện khoáng sản thì tập trung bảo vệ và kịp thời báo cáo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để hướng dẫn xử lý và tổ chức bán đầu giá theo quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai thực hiện (theo mốc thời gian hoàn thành) và phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thủ tục, tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi đã được thu hồi, tận thu (tập kết tại bãi) trong quá trình nạo vét lòng hồ thủy lợi, thủy điện theo chỉ đạo của UBND Tỉnh; hoàn thành hồ sơ, thủ tục và tổ chức đấu giá khoáng sản đã thu hồi, tập kết tại bãi trước ngày 30/5/2024.
Đồng thời, báo cáo đề xuất những nội dung có liên quan (nếu có); chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, khoáng sản tập kết tại bãi trước pháp luật và UBND Tỉnh nếu để xảy ra thất thoát tài sản nhà nước, chậm trễ trong tổ chức đấu giá khối lượng cát, sạn, sỏi đã được thu hồi, tận thu trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và nguồn cung vật liệu xây dựng.
Sở Công Thương làm việc cụ thể với các tổ chức, cá nhân được cấp phép hoạt động nạo vét có tận thu khoáng sản trong phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi để rà soát tình trạng hoạt động (trường hợp không hoạt động thì đề nghị thu hồi giấy phép theo quy định).
Đây cũng là yêu cầu của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong phạm vi bảo vệ công trình hồ thủy lợi.