Lập lại trật tự giá cát tại Quảng Ngãi, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau những giải pháp quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, 11 mỏ cát đấu giá được cấp quyền khai thác thì tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm, nhưng giá cát xây dựng tại địa phương này vẫn neo ở mức cao đỉnh điểm. Bên cạnh lý do giá trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát tăng cao, một số ý kiến cho rằng, cát khai thác lậu đang chi phối giá cát và phải có biện pháp xử lý.
Các cống bê tông chặn đường ra vào vận chuyển cát trái phép tại Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hạnh
Các cống bê tông chặn đường ra vào vận chuyển cát trái phép tại Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hạnh

Giá kê khai và giá bán chênh nhau rất lớn

Hiện nay, 6 mỏ cát xây dựng tại Quảng Ngãi đã được áp dụng cơ chế niêm yết giá bán công khai tại mỏ. Trong đó, mỏ cát có giá thấp nhất gần 182.000 đồng/m3, cao nhất hơn 345.000 đồng/m3. Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, điều này đảm bảo công khai, minh bạch và sòng phẳng trong cạnh tranh về giá.

Tuy nhiên, ông Phạm Trung Kiên ở phường Chánh Lộ (TP. Quảng Ngãi) vẫn phải mua cát với giá 420.000 đồng/m3 để hoàn thiện căn nhà đang xây, trong khi 4 tháng trước, giá cát là 120.000 đồng/m3. “Giữa giá kê khai và giá bán qua đại lý chênh nhau rất lớn, nhưng chủ nhà chấp nhận mua vì đã đến khâu hoàn thiện”, ông Kiên phân trần.

Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, giá cát tăng gấp 2 - 3 lần so với trước đây là do các doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát phải bỏ ra số tiền lớn để giành quyền khai thác và hoàn thành nhiều khoản chi phí khác nên xây dựng mức giá cao để có lãi. Thời gian tới, cùng với nhu cầu xây dựng của người dân, hàng loạt dự án lớn đang triển khai trên địa bàn Quảng Ngãi sẽ đẩy nhu cầu sử dụng cát xây dựng lên cao nên giá sẽ còn tiếp tục tăng. Biện pháp cần thiết là tăng cường kiểm soát đầu ra bằng hoá đơn mua bán và đặc biệt là phải triệt tiêu được thị trường tiêu thụ cát lậu vì khi có cầu, ắt sẽ có cung.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, chuyên gia về xây dựng tại Quảng Ngãi cho rằng, việc quản lý bằng cách niêm yết giá tại mỏ ít hiệu quả khi thị trường đang định giá ở mức cao.

“Doanh nghiệp khai thác cát có thể lập đại lý cấp I, II, III... và xuất hóa đơn bán cho đại lý với giá 120.000 đồng/m3 nhưng đại lý bán đến người sử dụng hơn 420.000 đồng/m3 là bình thường”, ông Ngân phân tích.

Đại diện Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi nêu quan điểm, dù niêm yết giá công khai, nhưng lượng khai thác chính thức quá nhỏ và chưa kiểm soát được nguồn cát lậu thì người dân và doanh nghiệp vẫn phải mua cát với giá cao, mua cát không có hóa đơn chứng từ hoặc mua 2 giá (giá trên hóa đơn khác giá thực tế phải trả). Hậu quả, tài nguyên khoáng sản bị thất thoát, hoạt động mua bán hóa đơn giả để hợp pháp nguồn cát lậu gia tăng, người dân và doanh nghiệp dễ vướng rủi ro pháp lý do mua phải cát lậu và dùng hóa đơn giả.

Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, năm 2023, tổng nhu cầu cát toàn Tỉnh khoảng 1,3 triệu m3, trung bình khoảng 3.500 m3/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, khối lượng các mỏ được cấp quyền khai thác và chỉ định khai thác cung cấp ra thị trường chỉ khoảng 80.000 m3/năm

Chặn cát lậu và kiểm soát minh bạch việc khai thác cát

Để điều tiết cát xây dựng theo thị trường, Nhà nước thu được tiền từ khai thác tài nguyên, giảm thiểu nguồn cung cát lậu, theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, phải bóc tách được các nguồn cát đang đưa ra thị trường. Đó là cát khai thác trái phép, cát lậu từ mỏ đấu giá (mỏ có đấu giá nhưng khai thác vượt số lượng và không xuất hóa đơn), cát lậu từ mỏ cát chỉ định. Theo ông Ngân, trong 3 nguồn cát này, cát khai thác trái phép chiếm khối lượng nhỏ trong tổng lượng cát tiêu thụ; cát từ các mỏ đấu giá, khai thác vượt số lượng và không kê khai mới chiếm tỷ trọng lớn. Lượng cát này được khai thác công khai, nhưng không hóa đơn, gây thất thu ngân sách và khó phát hiện hơn cát khai thác trái phép. Mỗi ngày chỉ cần xuất 1 hóa đơn rồi cho xe chở cát nhiều chuyến, bị phát hiện thì xuất trình hóa đơn đó ra là được hợp thức hóa.

Còn đối với nguồn cát lậu từ mỏ chỉ định, theo chuyên gia này, trong khi doanh nghiệp trúng đấu giá khai thác mỏ cát với giá 170.000 đồng/m3 thì mỏ chỉ định hiện chỉ áp dụng mức giá 14.000 đồng/m3. Mỏ chỉ định được cấp để khai thác và cung cấp trực tiếp cho các công trình đầu tư công theo tiến độ. Tuy nhiên, sau khi khai thác số lượng lớn, có doanh nghiệp đưa về các bãi trữ rồi bán cho các công trình khác, bán trong dân, không bị quản lý hay kiểm soát. Nhiêu khê nữa là các mỏ chỉ định này cạnh tranh không lành mạnh với các mỏ đấu giá. Thực tế, tại mỏ cát của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quốc Tiến, giá niêm yết gần 182 nghìn đồng/m3 cát (thấp nhất) trong khi Công ty TNHH Đầu tư Phú Mỹ Á là 345.455 đồng/m3. Theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, sự chênh lệch này là do mỏ cát của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quốc Tiến là mỏ được chỉ định, số còn lại là các mỏ đấu giá.

Cũng theo Sở Xây dựng Quảng Ngãi, năm 2023, tổng nhu cầu cát toàn Tỉnh khoảng 1,3 triệu m3, trung bình khoảng 3.500 m3/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, khối lượng các mỏ được cấp quyền khai thác và chỉ định khai thác cung cấp ra thị trường chỉ khoảng 80.000 m3/năm. “Như vậy, lượng cát còn lại hơn 1,22 triệu m3 được khai thác từ đâu, ngành thuế và công an có nhận diện được những bất cập và phi lý này?”, đại diện Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đặt câu hỏi.

Cũng theo vị đại diện này, để lập lại trật tự giá cát, cần thúc đẩy các mỏ được quyền khai thác cát chính danh gia tăng sản lượng, đồng thời với việc kiểm soát hoạt động khai thác và kinh doanh của các mỏ cát chỉ định, mỏ cát đấu giá, tuân thủ đúng pháp luật về nghĩa vụ tài chính, mục đích, trữ lượng khai thác thông qua camera, trạm cân, báo cáo thuế hàng tháng của các doanh nghiệp đang được cấp quyền khai thác.

Cùng với đó, cần mạnh mẽ chống cát lậu, cát khai thác trái phép bằng việc tăng cường kiểm soát nguồn hóa đơn cát đang lưu thông, hóa đơn kèm theo hàng hóa khi vận chuyển.

Tin cùng chuyên mục