Theo chương trình dự kiến, sáng 22/3, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, hiện có ý kiến đề xuất đưa việc lấy phiếu tín nhiệm lên sớm hơn, tại kỳ họp Quốc hội khai mạc vào tháng 5 tới, nên Ban công tác đại biểu trình phương án để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
"Việc có tổ chức lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn hay không sẽ do Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và sau đó trình cấp có thẩm quyền". ông Tuý nói.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, nội dung trên mới chỉ là dự kiến và đang được xin ý kiến chỉ đạo. "Đây là nội dung dự phòng nên cũng có thể bị rút ra khỏi chương trình, nghĩa là chưa bàn", ông Phúc nói.
"Tổng duyệt lại đội ngũ"
Trước đó cuối tháng 1/2018, Ban Tổ chức Trung ương ban hành kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Trong số các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, kết luận đề cập đến việc tham mưu lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp, nhất là lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp chiến lược đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, dân chủ, công khai, khách quan và trung thực, "thực sự là cơ hội quý để chia sẻ, học tập lẫn nhau, là một dịp tổng duyệt lại đội ngũ".
Theo quy định, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm nay, tuy nhiên việc này đang được xem xét làm sớm hơn. Ảnh minh họa: Q.H
"Với quan điểm từng bước chuẩn bị đội ngũ cán bộ của các nhiệm kỳ tới đây và không để lọt những cán bộ không xứng đáng, thiếu gương mẫu, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; công tác nhân sự thường xuyên, đột xuất cần tiến hành thận trọng; tiêu chuẩn, điều kiện là chính nhưng phải có cơ cấu hợp lý, đảm bảo sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ lãnh đạo", kết luận nêu.
Một chuyên gia về công tác nhân sự cho rằng, năm 2018 là mốc thời gian giữa nhiệm kỳ, việc rà soát lại đội ngũ cán bộ hết sức cần thiết, do vậy, nếu đẩy sớm lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp đồng bộ với các công việc liên quan khác diễn ra trong năm.
"Ban công tác đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội là cấp tham mưu, chuẩn bị nội dung, sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét thì thẩm quyền quyết định cuối cùng thuộc về Quốc hội, do việc lấy phiếu tín nhiệm được quy định trong Nghị quyết do Quốc hội ban hành", vị này nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội cho rằng, "nếu Quốc hội đồng ý cho lấy phiếu tín nhiệm sớm hơn một kỳ họp thì đây không phải vấn đề, vì chỉ cần qua nửa đầu nhiệm kỳ là các đại biểu dựa trên tình hình thực tế và ý kiến cử tri đã có thể đánh giá được bộ trưởng và các chức danh khác".
Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, đến nay chưa phải tất cả các Bộ trưởng đều đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, do vậy nên để họ trả lời và thể hiện chính kiến của mình trước các vấn đề cử tri quan tâm.
Theo quy định hiện hành, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo bằng văn bản theo mẫu gửi đến Uỷ ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội. Do vậy, nếu việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành ở kỳ họp giữa năm (dự kiến khai mạc 20/5), thời điểm quyết định sẽ phải trong tháng 3 này để hoàn thiện các quy trình liên quan.
Đến nay Quốc hội đã có hai đợt lấy phiếu tín nhiệm gần 100 cán bộ (47 người năm 2013 và 50 người trong năm 2014).
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có 3 mức độ “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”.
Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm.