Bản tin thời sự sáng 4/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chỉ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên VNeID; Bộ Y tế nói về thông tin vaccine Covid-19 AstraZeneca có thể gây đông máu; đề xuất mở rộng ngay cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe; lo ngại thiếu nước, Hà Nội tăng khai thác nước ngầm…

Chỉ thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên VNeID

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành hoàn tất công tác chuẩn bị để sử dụng duy nhất VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ 1/7.

Ứng dụng VNeID trên điện thoại

Ứng dụng VNeID trên điện thoại

Tại phiên họp lần thứ tư Tổ công tác về cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng diễn ra sáng 3/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, sử dụng một tài khoản VNeID sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và Nhà nước.

Hiện nay, mỗi người dùng thường có nhiều tài khoản dịch vụ công được cấp bởi các bộ, ngành, địa phương khác nhau. Việc này gây khó khăn trong quản lý thông tin cá nhân; người dân phải ghi nhớ nhiều tên tài khoản, mật khẩu và lãng phí thời gian, chi phí.

Để thông tin đến với người dân nhanh chóng, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan tăng cường tuyên truyền về tiện ích và cách dùng VNeID "sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ" trên các nền tảng khác nhau. Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà mạng phải làm sạch dữ liệu thuê bao di động để 100% SIM điện thoại chính chủ.

"Cần rà soát, hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm kết nối cơ sở dữ liệu và hạ tầng, đảm bảo sử dụng tài khoản VNeID thông suốt", Phó Thủ tướng yêu cầu.

VNeID là ứng dụng phát triển bởi Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06 Bộ Công an) trên nền tảng cơ sở dữ liệu về định danh, dân cư cũng như xác thực điện tử. Ứng dụng ra đời nhằm thay thế những giấy tờ truyền thống sau khi đã được tích hợp như căn cước công dân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, bằng lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm...

Bộ Công an đã triển khai 12 tiện ích trên VneID với hơn 1,5 triệu lượt truy cập, sử dụng các tiện ích hàng ngày. Trên ứng dụng này, Hà Nội đã triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ ngày 22/4 để người dân thao tác bằng điện thoại, không cần đến trụ sở các cơ quan công quyền.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, từ tháng 10/2023 đến nay, có hơn 8 triệu lượt sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập ứng dụng VssID của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Nhiều địa phương cũng đã chi trả an sinh xã hội thông qua VNeID.

Bộ Y tế nói về thông tin vaccine Covid-19 AstraZeneca có thể gây đông máu

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngay từ đầu, Việt Nam đã rất thận trọng trong tiêm ngừa vaccine Covid-19, với quy trình tiêm chủng chặt chẽ.

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca được triển khai tiêm chủng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Vaccine Covid-19 của AstraZeneca được triển khai tiêm chủng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam

Trước thông tin AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vaccine Covid-19 có thể gây cục máu đông, ngày 3/5, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được cảnh báo.

Theo ông Khuê, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca được vài năm (giai đoạn 2021 - 2022), do đó "không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu". Ngoài ra, đông máu cũng là tác dụng phụ Việt Nam đã cảnh báo đến người dân khi tổ chức tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người dân phải đo huyết áp, khám sàng lọc cũng như theo dõi chặt chẽ trước, trong, sau tiêm. Bộ cũng khuyến cáo cảnh giác, theo dõi, phát hiện sớm và xử trí kịp thời những biến cố đông máu hiếm gặp ở người sau tiêm như cần nhập viện khi nhức đầu dữ dội, đau bụng, đau lưng, buồn nôn và nôn, thay đổi thị lực...

Theo các chuyên gia, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 vài năm nay, do đó cũng không cần phải quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.

Liên quan đến vaccine Covid-19 của AstraZeneca nghi ngờ gây cục máu đông, tính đến nay, có 51 vụ kiện liên quan ở Anh với khoản bồi thường được yêu cầu ước tính lên đến 100 triệu bảng Anh.

Theo Telegraph, AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận trong tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao rằng, vaccine Covid-19 của họ: "Trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)".

Tại Việt Nam, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, hàng trăm triệu người đã được tiêm từ 2 - 4 liều vaccine Covid-19, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna… góp phần đẩy lùi dịch Covid-19.

Đề xuất mở rộng ngay cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP.HCM, Đồng Nai, đề nghị mở rộng ngay đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua TP.HCM thường xuyên ùn tắc

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua TP.HCM thường xuyên ùn tắc

Nội dung trên được nêu tại cuộc họp về phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM - Long Thành (thuộc Dự án TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì sáng 3/5.

Trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã nghiên cứu, đề xuất mở rộng đoạn từ nút giao đường Vành đai 2 TP.HCM đến nút giao đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với quy mô 8 làn xe, bảo đảm khả năng mở rộng lên 10 làn xe.

Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 khai thác từ ngày 30/6/2016 với tổng chiều dài 55 km, trong đó phân đoạn TP.HCM - Long Thành dài 25,92 km. Từ khi đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện tham gia trên đoạn TP.HCM - Long Thành liên tục tăng, dự kiến năm 2025 vượt 25% năng lực thông hành với 4 làn xe hiện hữu, thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành là vấn đề cấp thiết, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phương án đầu tư phải quyết định dựa trên tiến độ và hiệu quả kinh tế.

Báo cáo Thủ tướng trước đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra hai phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Long Thành. Phương án một, đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ mở rộng lên 8 làn xe, nhưng giải phóng mặt bằng 10 làn xe để khi đủ kinh phí sẽ hoàn thiện. Tổng mức đầu tư hơn 14.330 tỷ đồng.

Phương án hai, đoạn cao tốc từ nút giao Vành đai 2 đến Vành đai 3 dài 4 km sẽ đầu tư 8 làn xe, đoạn còn lại đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 17 km có quy mô 10 làn xe. Tổng mức đầu tư theo phương án này là 15.620 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải sẽ là cơ quan chủ quản, VEC là chủ đầu tư theo Luật Đầu tư công, thực hiện Dự án từ nay đến tháng 6/2028. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước kiến nghị Thủ tướng xem xét phương án 1 bởi Dự án đã giải phóng mặt bằng 8 làn xe, có thể xây dựng ngay.

Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận giúp CII lãi đậm

Nhờ tăng lợi nhuận ròng từ thu phí Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) báo lãi 323 tỷ đồng trong quý đầu năm, gấp hơn 9 lần cùng kỳ năm ngoái.

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Trạm thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Báo cáo tài chính mới đây cho thấy, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM ghi nhận doanh thu thuần quý I đạt 878 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2023. Tiết giảm giá vốn bán hàng giúp Công ty lãi gộp hơn 471 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 37% lên 54%.

Trong đó, nổi bật nhất là doanh thu thu phí giao thông đạt gần 679 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ 2023. Mảng này đóng góp hơn ba phần tư doanh thu thuần của CII. Trong khi doanh thu tăng mạnh, giá vốn chỉ nhích nhẹ giúp Công ty có gần 500 tỷ đồng lãi gộp từ hoạt động thu phí giao thông.

Trong quý I, doanh thu hoạt động tài chính của CII tăng 2,5 lần lên hơn 532 tỷ đồng. Giá trị dôi dư chủ yếu đến từ lãi đánh giá lại giá trị hợp lý của khoản đầu tư vào công ty liên kết khi nắm quyền kiểm soát.

Nhóm các chi phí cố định của doanh nghiệp này cũng tăng lên đáng kể. Trong đó, chi phí tài chính tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là lãi vay. Trung bình mỗi ngày, CII tốn hơn 4 tỷ đồng để trả lãi khi doanh nghiệp này đang có hơn 20.100 tỷ đồng nợ vay tài chính.

Kết quả, CII ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 323 tỷ đồng, gấp hơn 9 lần cùng kỳ năm 2023. Đây là mức lãi cao nhất gần 2 năm qua. Sau 3 tháng, Công ty hoàn thành 22% chỉ tiêu doanh thu và đạt hơn 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Được biết, mảng thu phí giao thông mang về gần 1.700 tỷ đồng doanh thu trong năm 2023, tương đương 4,6 tỷ đồng mỗi ngày. Trong đó, Dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chiếm gần một nửa. Gần đây, 2 trạm thu phí Cà Ná trên Quốc lộ 1 (Ninh Thuận) và cầu Cổ Chiên (Trà Vinh) được chấp thuận tăng giá vé thêm 18%.

Song song đó, Công ty bắt đầu chia cổ tức đều đặn 16% mỗi năm. Đầu năm 2024, CII chi hơn 227 tỷ đồng, chia làm 2 đợt, để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 4%, tức 1 cổ phiếu sẽ nhận 400 đồng. Đây là những đợt cổ tức tiền mặt đầu tiên của CII sau hơn 3 năm ưu tiên dùng tiền trả nợ ngân hàng.

Lo ngại thiếu nước, Hà Nội tăng khai thác nước ngầm

Thành phố cho phép nâng công suất khai thác nước ngầm của Nhà máy Nước Mai Dịch thêm hơn 9.000 m3 mỗi ngày đêm trước nguy cơ thiếu hụt nước mùa hè.

Nhà máy Nước Mai Dịch đã được Thành phố nhất trí nâng công suất khai thác nước ngầm

Nhà máy Nước Mai Dịch đã được Thành phố nhất trí nâng công suất khai thác nước ngầm

UBND TP. Hà Nội vừa đồng ý với đề xuất của Sở Xây dựng về việc nâng công suất khai thác nước ngầm cho bãi giếng Mai Dịch (Nhà máy Nước Mai Dịch) từ 37.000 m3/ngày đêm lên 46.200 m3/ngày đêm.

Nhà máy Nước Mai Dịch có công suất thiết kế 60.000 m3/ngày đêm, sản xuất, cung cấp nước sạch cho người dân các quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và một phần quận Đống Đa.

Thực hiện chủ trương giảm khai thác nước ngầm nên Nhà máy đang vận hành với công suất 49.000 m3/ngày đêm với 37 giếng khoan, trong đó bãi giếng Mai Dịch có công suất 37.000 m3/ngày đêm với 26 giếng khoan; bãi giếng Thượng Cát có công suất 12.000 m3/ngày đêm với 11 giếng khoan.

Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, dự báo nhu cầu sử dụng nước từ nguồn Nhà máy Nước Mai Dịch là rất lớn, tăng khoảng 10% so với hè 2023. Trong khi đó, Nhà máy Nước mặt sông Hồng công suất 300.000 m3/ngày đêm tại huyện Đan Phượng theo kế hoạch hoàn thành từ năm 2021 và một phần nước từ đây sẽ cấp bổ sung cho phần nước ngầm giảm khai thác. Nhưng dự kiến quý IV/2024 Nhà máy mới hoạt động nên hiện chưa có nguồn nước bổ sung.

Để không xảy ra tình trạng thiếu nước, mất nước cục bộ, đặc biệt trong mùa hè, Thành phố chấp thuận nâng công suất khai thác nước ngầm Nhà máy Nước Mai Dịch. Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng cập nhật tiến độ triển khai các dự án nhà máy nước mặt (Nhà máy Nước mặt sông Đà giai đoạn 2; Nhà máy Nước mặt sông Hồng) để xây dựng kế hoạch giảm khai thác nguồn nước ngầm theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 4/2021.

Hà Nội dự kiến nhu cầu sử dụng nước trung bình năm 2024 trên 1,4 triệu m3/ngày đêm, tăng khoảng 3,5% so với năm 2023. Trong khi đó, dự báo tổng công suất nước khai thác từ các nhà máy gần 1,35 triệu m3/ngày đêm (nước ngầm hơn 700.000 m3/ngày đêm; nước mặt 650.000 m3/ngày đêm), thiếu 30.000 - 70.000 m3/ngày đêm so với nhu cầu. Để bù đắp lượng nước thiếu hụt, ngoài việc tăng khai thác, Thành phố cũng sẽ sử dụng nguồn nước ngầm dự phòng để bổ sung.

Mức phí dự kiến ở cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 130.000 - 497.000 đồng

Cao tốc chạy qua Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận dự kiến thu phí mức 130.000 - 497.000 đồng mỗi lượt tuỳ loại xe, trên toàn tuyến 78,5 km.

Theo thống kê của đơn vị vận hành, từ ngày 26/4 đến trưa 2/5, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo ghi nhận hơn 74.300 xe chạy qua

Theo thống kê của đơn vị vận hành, từ ngày 26/4 đến trưa 2/5, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo ghi nhận hơn 74.300 xe chạy qua

Thông tin được nêu trong văn bản của Công ty CP Cao tốc Cao Lâm - Vĩnh Hảo (Nhà đầu tư Dự án) gửi Bộ Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án 85 liên quan tổ chức thu phí trên tuyến đường này.

Chủ đầu tư tính toán mỗi km trên tuyến có đơn giá 1.669 đồng. Các xe tuỳ theo số ghế ngồi, trọng tải được chia thành các nhóm, sau đó quy ra hệ số để nhân với đơn giá tính trên km.

Ngoài ra, xe đi trên các chặng ngắn được tính ở mức thấp hơn. Ví dụ, xe dưới 12 ghế, ô tô tải dưới 2 tấn, xe buýt đi từ trạm thu phí Cam Thịnh đến trạm thu phí Du Long (14,53 km) có mức thu 24.000 đồng...

Trước đó, tuyến cao tốc này dự tính thu phí từ ngày 2/5, song chưa thể thực hiện do chờ Bộ Giao thông vận tải phê duyệt. Đoạn cao tốc có 4 trạm thu phí, gồm: Cam Thịnh (Khánh Hòa), Du Long và Phan Rang (Ninh Thuận), Vĩnh Hảo (Bình Thuận).

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Xây dựng Đèo Cả - Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 thực hiện với tổng vốn đầu tư hơn 8.900 tỷ đồng.

Tuyến dài hơn 78 km, nền đường rộng 17 m với 4 làn xe không làn dừng khẩn cấp mà có các điểm dừng khẩn cấp cách nhau 4 - 5 km; vận tốc tối đa 90 km/h, đã thông xe từ sáng 26/4 và khánh thành ngày 28/4.

Theo thống kê của đơn vị vận hành, từ 26/4 đến trưa 2/5, cao tốc ghi nhận hơn 74.300 xe chạy qua. Trong đó, 48 ô tô gặp sự cố hư hỏng, 1 xe gặp tai nạn nhưng không xảy ra thương vong.

Đường Quảng Ngãi có hơn 7.300 tỷ đồng tiền mặt

Đến cuối tháng 3, Công ty CP Đường Quảng Ngãi - chủ hãng sữa Vinasoy - có hơn 7.300 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương, trong đó có vàng và đôla Mỹ, tăng 13% so với đầu năm.

Đường Quảng Ngãi hiện dẫn đầu thị phần mảng sữa đậu nành với thương hiệu Vinasoy

Đường Quảng Ngãi hiện dẫn đầu thị phần mảng sữa đậu nành với thương hiệu Vinasoy

Thông tin trên được nêu trong báo cáo tài chính vừa phát hành của Công ty CP Đường Quảng Ngãi (QNS). Trong đó, Công ty gửi 6.760 tỷ đồng tại ngân hàng kỳ hạn 3 - 12 tháng, tăng 10% so với đầu năm. Ngoài ra còn gửi kỳ hạn ngắn hơn 503 tỷ đồng.

Ngoài tiền đồng, công ty này có "của để dành" hơn 957.000 USD gửi ngân hàng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Tính theo tỷ giá hiện tại của Vietcombank, số ngoại tệ này tương đương hơn 24 tỷ đồng…

Như vậy, Công ty có hơn 7.300 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương, chiếm 54% tổng tài sản. Tính đến cuối tháng 3, Công ty có tổng tài sản hơn 13.577 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.

Lượng tiền mặt dồi dào trong bối cảnh kinh doanh thuận lợi nên quý I/2024, Công ty báo lãi gần 532 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận tăng chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đường. Trong đó, lượng tiêu thụ tăng 38% so với cùng kỳ, giá thành giảm nhờ phát triển vùng nguyên liệu. Dây chuyền sản xuất hoạt động ổn định giúp tiết kiệm chi phí, mang lại lợi nhuận cho Công ty…

Năm nay, Công ty muốn đầu tư mạnh cho thị trường và vùng nguyên liệu, nhất là mía và đậu nành; đặt mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 1.341 tỷ đồng, lần lượt đi lùi 14% và 39% do nhìn nhận kinh tế còn khó khăn.

Sau 3 tháng đầu năm, chủ hãng sữa đậu nành Vinasoy hoàn thành 28% chỉ tiêu doanh thu và gần 40% kế hoạch lợi nhuận.

Nhiều tiệm vàng bán trang sức không rõ nguồn gốc bị phạt 3 tỷ đồng

Bốn tháng kiểm tra, lực lượng chức năng đã xử lý 145 vụ vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng, phạt gần 3 tỷ đồng.

Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng vàng tại Hà Nội

Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng vàng tại Hà Nội

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, thị trường vàng diễn biến phức tạp, giá tăng nóng, cơ quan này đã chỉ đạo lực lượng chức năng liên tục thanh tra, kiểm soát.

Sau khi nhà chức trách đồng loạt ra quân kiểm tra trên cả nước, đã phát hiện nhiều vi phạm trong kinh doanh vàng, trang sức. Trong đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra 18 cơ sở, phát hiện 12 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt gần 222 triệu đồng.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiểm tra, phát hiện 5 vụ vi phạm, đã xử lý 1 vụ (4 vụ đang hoàn chỉnh hồ sơ), tổng trị giá hàng hóa vi phạm trên 1,8 tỷ đồng.

Riêng Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang kiểm tra tiệm vàng Kim Hương Dinh tại Long Xuyên phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm vàng, vàng trắng được bày bán có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Thống kê trên cả nước, 4 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 145 vụ vi phạm với tổng giá trị hàng hóa 6,8 tỷ đồng, xử phạt hành chính gần 3 tỷ đồng.

Ông Linh cho hay, các vi phạm chủ yếu là sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, nhiều sản phẩm vàng trang sức có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Cartier dưới dạng khuyên tai, vòng tay, nhẫn, dây chuyền...

Trước đó, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bất ngờ đóng cửa trong bối cảnh cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa.

Ngoài kiểm tra tại các tiệm vàng, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đang phối hợp với ban ngành tại địa phương theo dõi việc bán vàng trên các tài khoản mạng xã hội. Đây là hoạt động kiểm tra đồng loạt và gắt gao nhất từ đầu năm đến nay sau Công điện của Thủ tướng về kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng.