Lilama trở lại quỹ đạo tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến hết quý I/2024, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã hoàn thành hơn 58% mục tiêu lợi nhuận năm 2024. Điểm tích cực sau giai đoạn thua lỗ là Lilama đã có lợi nhuận từ quý III/2023 và con số này liên tục tăng trưởng. Lilama còn hơn 1 năm để thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có việc thoái toàn bộ vốn tại 19 công ty có vốn góp, tăng vốn điều lệ từ 797 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng và giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Lilama còn 51%.
Lilama trở lại quỹ đạo tăng trưởng

Hoàn thành 58,8% kế hoạch lợi nhuận sau quý I/2024

Quý đầu năm 2024, Lilama ghi nhận 1.650 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, gấp 3,92 lần cùng kỳ năm 2023. Sau khi trừ các khoản chi phí, Lilama ghi nhận 35,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Đây là tín hiệu khả quan cho hoạt động kinh doanh của Lilama khi quý I/2023 lỗ tới 4,22 tỷ đồng.

Theo tài liệu trình Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến diễn ra ngày 28/6/2024, Lilama đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.880 tỷ đồng, thấp hơn 2,7% so với thực hiện năm 2023; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 60 tỷ đồng, tăng 2,4%; nộp ngân sách nhà nước 40 tỷ đồng. Với kết quả đạt được quý đầu năm, Lilama đã hoàn thành 33,8% mục tiêu doanh thu và 58,8% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.

Báo cáo của Lilama cũng cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, Tổng công ty sẽ tập trung thực hiện các hợp đồng tiềm năng trong thời gian tới như: gia công chế tạo kết cấu thép và tổ hợp thiết bị cơ khí cho 36 module điện phân 20MW (xuất khẩu sang Hoa Kỳ) đang trong quá trình làm rõ hồ sơ chào giá với Tập đoàn Thyssenkrupp, giá trị hợp đồng khoảng 28,7 triệu USD.

Bên cạnh đó, Lilama sẽ thực hiện các dự án cung cấp, vận chuyển và lắp đặt máy biến áp 500KV - 900MVA do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư, tổng giá trị khoảng 1.368 tỷ đồng. Cụ thể là các gói thầu trạm biến áp (TBA) Lai Châu trị giá 384 tỷ đồng, TBA Tây Hà Nội (96 tỷ đồng), sân trạm Văn Điển 140 tỷ đồng, TBA Pleiku 2 (362 tỷ đồng), TBA Bình Dương 1 (194 tỷ đồng), TBA Quảng Trị (192 tỷ đồng). Ngoài ra, Lilama sẽ thực hiện Gói thầu Gia công chế tạo và lắp đặt kết cấu thép Dự án Nhà ga sân bay quốc tế Long Thành trị giá 135 tỷ đồng (thầu phụ cho Tổng công ty Xây dựng Hà Nội); Gói thầu Thi công Dự án Nhà máy đốt rác Thái Nguyên (tham gia tổ hợp với Samsung) trị giá 340 tỷ đồng.

Trong định hướng kinh doanh, Lilama sẽ tiếp tục tập trung vào hai ngành kinh doanh chính là tổng thầu EPC, xây lắp và cơ khí chế tạo. Trong lĩnh vực tổng thầu EPC, xây dựng, Lilama ưu tiên khai thác các dự án công nghiệp điện (nhà máy, trạm điện, đường dây) vì đây là thị trường tiềm năng, tăng trưởng vững do đã được Chính phủ quy hoạch ổn định. Đồng thời sẽ tham gia nhiều hơn vào các dự án công nghiệp dầu khí (nhà máy lọc dầu, nhà máy khí, đường ống khí…), đặc biệt là các dự án đã nằm trong quy hoạch.

Thoái toàn bộ vốn tại 19 công ty

Theo Đề án cơ cấu lại Lilama giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ Xây dựng thông qua ngày 23/11/2023 và Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 ngày 18/1/2024 bỏ phiếu tán thành, Lilama sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu 36% vốn điều lệ tại 2 công ty liên kết là Công ty CP Lilama 10 và Công ty CP Lilama 18; thoái vốn toàn bộ tại 19 công ty con, công ty liên kết, các khoản đầu tư tài chính còn lại (Công ty CP Lilama 5, Công ty CP Lilama 7, Công ty CP Cơ khí Lắp máy Lilama, Công ty CP Lilama 69-1, Công ty CP Lilama 69-3…).

Riêng đối với Công ty TNHH Lilama South East Asia SDN BHD (Lilama SEA), trong thời gian tới, tùy thuộc tình hình việc làm tại Brunei và trong khu vực, Lilama sẽ xem xét lựa chọn để công ty này tiếp tục hoạt động theo phương án hiệu quả nhất hoặc chuyển nhượng/giải thể để thu hồi vốn. Đối với Công ty CP Tư vấn quốc tế LHT, doanh nghiệp này đã chính thức dừng hoạt động và đang tiến hành các thủ tục cần thiết để giải thể do hoạt động kinh doanh kém hiệu quả và thua lỗ.

Cũng theo Đề án, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là Bộ Xây dựng sẽ thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu tại Lilama từ 97,88% hiện nay xuống còn 51%. Bên cạnh đó, chủ trương tăng vốn điều lệ của Lilama lên 1.500 tỷ đồng sẽ được thực hiện khi cấp có thẩm quyền quyết định.

Tính đến cuối quý I/2024, Lilama có vốn điều lệ 797,2 tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất là 6.102 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là 5.122 tỷ đồng (tương ứng 84%).

Tin cùng chuyên mục