Lời hiệu triệu doanh nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, dai dẳng đến tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhiều giải pháp đang được Chính phủ thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Giới doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì những đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ đồ, vị thế mới của đất nước. Ảnh: TTXVN
Giới doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào vì những đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ đồ, vị thế mới của đất nước. Ảnh: TTXVN

Ôn lại bức thư tâm huyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương 76 năm trước là để các doanh nhân thêm nỗ lực vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây chính là lời hiệu triệu, truyền cảm hứng cho đông đảo giới doanh nhân Việt Nam.

Hơn một tháng sau ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhận thấy vai trò của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước, ngày 13/10/1945, khi giới công thương tập hợp lại thành lập “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư động viên, cổ vũ.

Toàn văn bức thư ngắn gọn chỉ hơn 200 chữ nhưng chứa đựng tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các nhà công nghiệp, thương nghiệp Việt Nam ngay từ buổi đầu nước nhà giành được độc lập. Bức thư với những lời hết sức chân tình: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này. Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”.

Có thể nói, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương Việt Nam như một lời hiệu triệu và thực sự đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác Hồ dành cho giới doanh nhân Việt Nam.

Bức thư ấy thể hiện tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân, về mục tiêu phát triển nền kinh tế đất nước, đã tạo được lòng tin trong giới công thương. Có lẽ, vào năm 1945, khi các nhà công thương hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, cống hiến cả gia sản cho sự hồi sinh của đất nước, họ cũng xuất phát bởi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và lời hiệu triệu từ bức thư của Bác Hồ.

Thực hiện tâm thư của Bác Hồ và tiếp tục phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Điều này cho thấy tư tưởng, những lời căn dặn của Bác Hồ trong bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945 vẫn mang tính thời sự và ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay. Quả thật, với bức thư ngắn gọn, cô đọng ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt trọn niềm tin vào giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam; coi đây là lực lượng vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước nguyện của Người.

Trong những năm qua, đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc và đạt được những thành tựu đáng kể. Theo báo cáo của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đến nay, Việt Nam đã có trên 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động, hơn 25 nghìn hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nêu trên, cả nước có khoảng 7 - 8 triệu doanh nhân.

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước ta hội nhập với thế giới. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được tên tuổi, thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới, tiêu biểu như Vinamilk, Viettel, FPT, Vingroup, TH… Hàng triệu doanh nhân Việt Nam đã đi tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo và ngày nay tiếp tục là “người lính” đi đầu trong xây dựng đất nước thịnh vượng, đóng góp vào công cuộc “ích quốc lợi dân”.

Mặc dù xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam còn khá nhỏ bé và hạn chế, như: doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp; năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp; tính liên kết chưa cao…, nhưng có thể nói, sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân những năm qua đã mang lại hiệu ứng kinh tế - xã hội rất tích cực.

Thứ nhất, doanh nhân là lực lượng xã hội đóng vai trò quan trọng trong giải phóng lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân là lực lượng chủ yếu huy động các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ hai, trong thời kỳ đổi mới, doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, đội ngũ doanh nhân đã góp phần quan trọng tạo công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.

Thứ tư, với số lượng lên tới hàng triệu người và chất lượng được nâng cao, đội ngũ doanh nhân nước ta đã hình thành một tầng lớp xã hội mới. Tầng lớp đó tham gia ngày càng đông đảo vào các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và có vị thế ngày càng quan trọng hơn trong hệ thống chính trị - xã hội của đất nước…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”. Cùng với các giới đồng bào cả nước và toàn dân tộc, giới doanh nhân Việt Nam có thể tự hào vì đã có đóng góp quan trọng trong xây dựng cơ đồ, vị thế mới của đất nước.

Như vậy, thực tế đã chứng minh ý nghĩa lịch sử của bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi giới công thương ngày 13/10/1945 vẫn còn nguyên giá trị, thể hiện đường lối đúng đắn và chỉ dẫn mang tính chiến lược của Người đối với việc khẳng định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong xây dựng và kiến thiết đất nước, đặc biệt trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Tin cùng chuyên mục