Ảnh Internet |
Điều này gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư khi giá cổ phiếu những doanh nghiệp này sụt giảm mạnh, đồng thời thêm một lần cảnh báo về chất lượng báo cáo tài chính, cũng như sự minh bạch về số liệu kế toán do doanh nghiệp tự lập.
Lợi nhuận “nhảy múa”
Một trong những vụ việc lợi nhuận “bốc hơi” mạnh sau kiểm toán là trường hợp của bộ đôi Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) của “Bầu” Đức. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2017 của HAGL đã giảm từ 1.032 tỷ đồng trước kiểm toán xuống chỉ còn 371 tỷ đồng sau kiểm toán, nghĩa là “bốc hơi” tới hơn 660 tỷ đồng, tương đương mức giảm 64%. Còn lợi nhuận sau thuế của HAGL Agrico giảm từ 919 tỷ đồng xuống còn 531 tỷ đồng, tương đương giảm 42%.
Theo giải trình từ phía HAGL, chênh lệch lợi nhuận chủ yếu xuất phát từ việc hàng loạt chi phí bị ghi tăng lên sau kiểm toán. Cụ thể, tăng chi phí tài chính 130 tỷ đồng do chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lại của các công ty con; tăng chi phí quản lý doanh nghiệp 60,5 tỷ đồng do tăng chi phí phải trả; tăng chi phí khác 134 tỷ đồng chủ yếu do dự phòng thanh lý Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3; tăng 50 tỷ đồng chi phí chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang trồng cây ăn trái của các công ty con bên Lào; tăng gần 91 tỷ đồng chi phí chăm sóc vườn cây cao su, cây ăn trái; tăng 9,8 tỷ đồng chi phí thanh lý tài sản…
HAGL cũng cho biết, các khoản chênh lệch nêu trên là sai sót kế toán, do thiếu sót về chuyên môn của các nhân viên kế toán và do lượng nghiệp vụ quá nhiều trong khi nhân viên phải cố gắng hoàn thành báo cáo tài chính trong quỹ thời gian cho phép là 30 ngày.
Một trường hợp khác là Công ty CP Hùng Vương. Sau kiểm toán, Hùng Vương ghi lỗ 705 tỷ đồng, trong khi báo cáo tài chính Công ty tự lập ghi lỗ gần 63 tỷ đồng. Như vậy, Hùng Vương đã ghi lỗ thêm 642 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự chênh lệch này là do giá trị khoản chi phí tài chính (tăng hơn 21 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (tăng thêm 545 tỷ đồng) sau kiểm toán điều chỉnh tăng mạnh.
Trường hợp lợi nhuận “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng như Hoàng Anh Gia Lai và Hùng Vương không phải là cá biệt. Các trường hợp “lãi thành lỗ, lỗ ít thành lỗ nhiều” sau kiểm toán xuất hiện dày đặc như: Tổng công ty Thép Việt Nam (lợi nhuận sau thuế năm 2017 giảm từ 886,4 tỷ đồng xuống còn 778 tỷ đồng, tương đương giảm 13%); Công ty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (lợi nhuận bị điều chỉnh giảm 35,5 tỷ đồng sau kiểm toán)...
Cần mạnh tay để tăng minh bạch thị trường
Rõ ràng, ngoài lý do về chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm của bộ phận kế toán, thì ý thức minh bạch của doanh nghiệp chính là vấn đề đáng bàn. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, nếu số liệu vênh nhau ít thì không nói, nhưng chênh lệch lớn thì có khả năng doanh nghiệp muốn “xào nấu”, che giấu những thông tin bất lợi để trục lợi từ giá cổ phiếu.
Để thông tin đến với nhà đầu tư chính xác và rõ ràng hơn, ông Hải cho rằng, nhà quản lý cần mạnh tay với những doanh nghiệp thường xuyên sai phạm. Cụ thể là cần có chế tài và nhiều hình thức phạt, đặc biệt là nếu vi phạm nghiêm trọng thì cần khởi tố hình sự để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch hơn.