Có thiên thời, có địa lợi, mà không có nhân hòa thì cũng không thể thành công |
Quản trị quốc gia dựa vào lòng dân
Dựa vào lòng dân chúng ta đã làm Cách mạng tháng Tám thành công, dựa vào lòng dân chúng ta đã tiến hành kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi. Trong xây dựng hòa bình, cuối cùng, chúng ta cũng đã dựa vào lòng dân để tiến hành cải cách thể chế và đổi mới hệ thống. Chính nhờ vậy, các tiềm lực của đất nước đã được giải phóng, kinh tế đã có những bước phát triển ngày càng ngoạn mục. Với sự thật khách quan đó, chúng ta hiểu thất bại của mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp trước hết chính là thất bại của việc không thấu hiểu lòng dân.
So với thời kỳ bao cấp, cơ chế để vận hành nền quản trị quốc gia dựa vào lòng dân đã có được những bước tiến vượt bậc. Điều đáng nói nhất là Luật Trưng cầu dân ý đã được ban hành. Trưng cầu dân ý là cách đáng tin cậy nhất để thấu hiểu lòng dân và hành động theo ý chí của nhân dân.
Điều đáng nói khác là đòi hỏi mang tính chất bắt buộc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc phải lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành bất kỳ văn bản chứa quy phạm pháp luật nào. Các quy phạm pháp luật được ban hành chủ yếu để điều chỉnh hành vi của người dân. Khi hành vi của người dân bị điều chỉnh, một vấn đề nào đó của cuộc sống có thể được giải quyết, thế nhưng quyền tự do của người dân lại bị hạn chế. Đó là chưa nói tới việc tuân thủ bao giờ cũng làm phát sinh những chi phí không hề nhỏ cho dân. Tham vấn người dân sẽ giúp cho pháp luật không chỉ phản ánh đúng ý nguyện của dân, mà còn giúp pháp luật trở nên hợp lý và khả thi trong cuộc sống.
Điều đáng nói thứ ba là nhiều cơ quan Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương đều đã bắt đầu tìm cách đo đếm sự hài lòng của dân đối với hoạt động của mình, cũng như đối với dịch vụ mà mình cung cấp. Đo đếm sự hài lòng của dân chính là đo đếm lòng dân. Muốn xây dựng một chính quyền thật sự phụng sự cho dân, thì sự đo đếm này là thiết thực nhất và đúng đắn nhất. Mỗi khi sự hài lòng của người dân thấp, thì mọi báo cáo thành tích có hay, có dài bao nhiêu cũng chẳng có ý nghĩa gì. Công cụ đo đếm sự hài lòng của người dân đáng tin cậy nhất hiện nay là chỉ số PAPI (PAPI là chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh). Các địa phương, các cơ quan nhà nước đang ngày càng quan tâm hơn đến các chỉ số này. Hơn thế nữa, nhiều địa phương, nhiều cơ quan đã đề ra kế hoạch để nâng cao chỉ số PAPI của mình.
Năm mới khởi đầu với vận hội mới
Với việc ký kết các hiệp định CPTPP, EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác, vận hội mới đang đến với đất nước ta. Năm mới Tân Sửu 2021 quả thực đang bắt đầu với vận hội mới. Nhưng vận hội là gì nếu như đó chẳng phải là sự tổng hòa của thiên thời, địa lợi, nhân hòa?!
Với việc ký kết các hiệp định CPTPP, EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác, vận hội mới đang đến với đất nước ta. Năm mới Tân Sửu 2021 quả thực đang bắt đầu với vận hội mới. Nhưng vận hội là gì nếu như đó chẳng phải là sự tổng hòa của thiên thời, địa lợi, nhân hòa?!
Mà như vậy thì lòng dân chính là một phần quan trọng của vận hội. Có thiên thời, có địa lợi, mà không có nhân hòa thì cũng không thể thành công.
Xét về yếu tố thiên thời, hội nhập đang tạo ra những cơ hội hết sức to lớn cho chúng ta. Trước hết, đó là cơ hội giao lưu với thế giới. Nhờ giao lưu mà kiến thức mới, ý tưởng mới, các thành tựu khoa học - công nghệ, văn hóa, nghệ thuật mới đã và đang được chuyển giao một cách tự nhiên cho dân tộc ta. Nhờ giao lưu, chúng ta gắn kết với thế giới ngày một chặt hơn, hiểu biết về thế giới cũng ngày một nhiều hơn. Sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta định vị mình trong thế giới hiện đại một cách chính xác hơn. Điều này là hết sức quan trọng để hoạch định chiến lược phát triển của đất nước. Giao lưu còn cho chúng ta quan hệ để trao đổi và để hợp tác.
Hội nhập còn tạo cơ hội cho chúng ta mở rộng thị trường. Thị trường được mở rộng, thì việc mở rộng sản xuất kinh doanh cũng dễ dàng hơn. Sản xuất kinh doanh được mở rộng thì công ăn việc làm sẽ được tạo ra nhiều hơn. Nhiều người có công ăn việc làm, có thu nhập, thì tiêu dùng cũng nhờ đó mà tăng lên. Tiêu dùng tăng lên thì kinh tế lại có cơ hội để phát triển. Tất cả đều tác động như những mô men lực thuận chiều, tất cả đều thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng. Thậm chí cạnh tranh mà hội nhập tạo ra cũng không nhất thiết phải bị nhìn nhận như là thách thức. Cạnh tranh vẫn có thể được nhìn nhận như là cơ hội. Bởi vì rằng, cạnh tranh tạo ra áp lực lành mạnh và cần thiết để chúng ta vươn lên, để chúng ta cải cách. Nếu không, với tâm lý “nước đến chân mới nhảy”, không có chuyện “nước đến chân”, thì không biết đến bao giờ chúng ta mới chịu nhảy.
Về yếu tố địa lợi, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, những tiềm lực to lớn của đất nước ta là nền tảng hết sức quan trọng để phát triển. Với vị trí địa chính trị quan trọng của đất nước, nhiều cơ hội thuận lợi cho sự gắn kết và hợp tác kinh tế, cho sự giao lưu và trao đổi đang được khai thác ngày càng hiệu quả. Cơ hội trở thành trung tâm cho dịch chuyển kết nối nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng đang chờ chúng ta khai thác. Với sự thành công trong việc khống chế đại dịch Covid-19, yếu tố địa lợi của Việt Nam càng trở nên nổi trội hơn cho sự dịch chuyển này. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp, cho nhiều ngành công nghiệp du lịch và khai khoáng, chế biến… cũng là yếu tố địa lợi rất quan trọng của chúng ta. Thị trường càng mở ra thì chúng ta càng có nhiều cơ hội để khai thác yếu tố địa lợi này.
Thách thức lớn nhất của yếu tố địa lợi (gắn kết với yếu tố thiên thời) là tình hình bất ổn trên biển Đông. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng ta là không để thách thức này làm hỏng vận hội của đất nước. Mà như vậy thì quan trọng là cần phải tập trung mọi tiềm lực về trí tuệ, về ý chí, về sự khôn ngoan và lòng dũng cảm để vượt qua. Và ở đây chúng ta lại phải trở lại với lòng dân, với yếu tố nhân hòa. Để ngăn chặn hành vi xâm lấn trên biển Đông, sự đoàn kết một lòng của gần 100 triệu con dân đất Việt là điều kiện không thể thiếu.