Tổ chức đấu giá tài sản phải đáp ứng tiêu chí có kinh nghiệm đấu giá từ 10 năm trở lên trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Ảnh: NC st |
Tài sản bán đấu giá có tổng diện tích 4.348 m2, mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ; Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm; thời hạn sử dụng là 50 năm. Tổng giá trị tài sản bán đấu giá là 21,4 tỷ đồng. Giá tiền thuê đất hàng năm là 107,263 triệu đồng, thời gian ổn định trong 10 năm.
Theo thông báo của UBND huyện Bù Gia Mập, TCĐGTS phải có trụ sở trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Hội trường đấu giá đáp ứng được việc tổ chức cuộc đấu giá từ 100 người trở lên, vị trí hội trường tại thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập để bảo đảm thuận tiện cho người tham gia đấu giá.
TCĐGTS phải có kinh nghiệm đấu giá từ 10 năm trở lên trên địa bàn tỉnh Bình Phước (đặc biệt, phải có kinh nghiệm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước). Ngoài ra, TCĐGTS phải có tối thiểu từ 4 đấu giá viên trở lên đã được Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước cấp thẻ đấu giá viên.
Một số tiêu chí cụ thể khác được người có tài sản đưa ra, yêu cầu các TCĐGTS phải đáp ứng như: đã ký kết, thực hiện 10 hợp đồng dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong năm 2020 và 5 hợp đồng dịch vụ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước trong năm 2021.
Theo tìm hiểu, tháng 4/2020, quyền sử dụng đất thực hiện Dự án Đầu tư khu chợ xã Đa Kia đã được Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND huyện Bù Gia Mập thông báo bán đấu giá với mức giá khởi điểm 15,481 tỷ đồng. Ông Lê Anh Xuân cho biết, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 1 Nam Bộ trúng đấu giá quyền sử dụng nêu trên. Ngày 15/6/2020, doanh nghiệp này đã tổ chức lễ động thổ xây dựng khu chợ xã Đa Kia. Tuy nhiên đến nay, chợ chưa được xây, quyền sử dụng đất được tiếp tục bán đấu giá. Công ty này trên thực tế vẫn chưa nộp đủ tiền trúng đấu giá, chỉ tổ chức nghi lễ động thổ để lấy ngày, kết quả trúng đấu giá sau đó bị hủy.
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký đến ngày 16/7/2021 tại Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bù Gia Mập.
Theo Danh sách TCĐGTS, chi nhánh TCĐGTS trong cả nước được Bộ Tư pháp công bố, cập nhật mới nhất (ngày 9/7/2021), trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 7 TCĐGTS có trụ sở/chi nhánh. Trong số này có rất ít TCĐGTS được thành lập, có thời gian hoạt động đấu giá từ 10 năm trở lên trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Một đấu giá viên cho biết, hoạt động bán ĐGTS được xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa từ năm 2010 với sự ra đời của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Từ đó tới nay, ngoài các trung tâm dịch vụ ĐGTS trực thuộc Sở Tư pháp, chỉ có các doanh nghiệp ĐGTS được thành lập từ sớm (chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM) mới có đủ kinh nghiệm từ 10 năm làm nghề trở lên.
Theo đấu giá viên này, việc TCĐGTS phải có 10 năm kinh nghiệm thực hiện bán ĐGTS trở lên tại địa phương, hay phải có nhiều đấu giá viên do Sở Tư pháp địa phương cấp thẻ đấu giá viên… là những tiêu chí không phù hợp để đánh giá năng lực thực sự của một TCĐGTS, có thể sẽ hạn chế sự tham gia cạnh tranh của nhiều TCĐGTS có đủ năng lực, nhưng lại thiếu các tiêu chí mang đặc thù “địa phương” như vậy.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lê Anh Xuân, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc UBND huyện Bù Gia Mập cho biết, sẽ rà soát lại các tiêu chí được đưa ra, nếu tiêu chí nào chưa thực sự phù hợp thì sẽ sửa đổi, bổ sung.