Nhiều ý kiến cho rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ nên kiểm toán phần vốn nhà nước tham gia trong dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên |
Để trả lời những câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, đối tượng chính của Luật PPP là doanh nghiệp, nhà đầu tư và mục đích xây dựng luật này là phải làm sao khuyến khích, thúc đẩy khu vực tư nhân bỏ tiền ra chung tay với Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng, dịch vụ công mà Nhà nước cần phải đầu tư. Từ quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp.
Vốn nhà nước có 10% mà kiểm toán hết thì không nên
Thời gian qua, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan soạn thảo Dự Luật, đã tổ chức rất nhiều hội thảo tham vấn cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, bộ, ngành, địa phương. Những vấn đề nổi cộm mà đa số nhà đầu tư nêu ra là cần sự điều chỉnh về chính sách liên quan đến kiểm toán nhà nước, làm sao phải tuân thủ nguyên tắc thị trường, tôn trọng hợp đồng, phát huy trí tuệ, sáng tạo của nhà đầu tư. Đồng thời, cần có trách nhiệm chia sẻ rủi ro hợp lý nếu dự án bị ảnh hưởng doanh thu vì lỗi của cơ quan nhà nước. Đây cũng là hai vấn đề được thảo luận nhiều tại Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự án PPP không hoàn toàn là dự án đầu tư công cũng như không hoàn toàn là đầu tư tư nhân. Bản chất dự án PPP là dự án nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án và đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo các quy định về PPP và pháp luật có liên quan. Do đó, cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán nhà nước quy định, Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ vướng với quy định của Hiến pháp và Luật Kiểm toán Nhà nước, khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, theo khuyến nghị của Hiệp hội Kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, Kiểm toán Nhà nước chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP, mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công. Nếu không quy định phù hợp sẽ dẫn tới trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, việc giải quyết tranh chấp rất phức tạp và kéo dài, tốn kém chi phí, thời gian và ảnh hưởng đến uy tín quốc gia.
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ nên kiểm toán phần vốn nhà nước tham gia. “Vốn nhà nước tham gia có 10% mà bảo kiểm toán hết thì không nên. 90% của nhà đầu tư nếu cần thì quy định nhà đầu tư phải thuê kiểm toán độc lập”, ông Hải nêu quan điểm.
Cần chia sẻ rủi ro nếu do lỗi của Nhà nước
Với tinh thần làm Luật để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực tư nhân, Dự thảo Luật PPP đã đề xuất cơ chế chia sẻ khi tăng, giảm doanh thu, trong đó, chỉ chia sẻ giảm thu nếu do lỗi của cơ quan nhà nước như thay đổi quy hoạch, chính sách, pháp luật. Nhà nước cũng chỉ chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng, không phải chia sẻ hết phần giảm thu so với doanh thu trong phương án tài chính. Quy định này vừa đảm bảo tôn trọng nguyên tắc thị trường, củng cố niềm tin, sự yên tâm của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư, vừa thể hiện cam kết, trách nhiệm của Nhà nước.
Đồng tình với cơ chế này, ông Nguyễn Đức Hải cho rằng, nếu giảm doanh thu do chính sách của Nhà nước thì Nhà nước phải bù đắp. Nếu do thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất khả kháng, Nhà nước cũng nên chia sẻ. Còn do vận hành thì không được chia sẻ, nhà đầu tư phải tự tính toán. Ngoài ra, ông Hải băn khoăn về nguồn lực dự phòng vốn đầu tư công trung hạn vì nguồn này phải sử dụng vào nhiều nhiệm vụ khác, nên tính ưu tiên để bố trí xử lý khi có rủi ro đối với dự án PPP không chắc chắn, khó đảm bảo.
Bên cạnh đó, vấn đề giám sát cộng đồng cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, làm sao để không gây khó khăn cho nhà đầu tư, bởi không cẩn thận sẽ tạo ra thủ tục hành chính không cần thiết, không khả thi.