Việc bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại Dự thảo Luật PPP sẽ bảo đảm quy định đồng bộ, thống nhất cả vòng đời dự án. Ảnh: Lê Tiên |
Quy định về lựa chọn nhà đầu tư tại Luật PPP
Dự thảo Luật PPP trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thiết kế một chương về lựa chọn nhà đầu tư và đề xuất bãi bỏ nội dung tương ứng tại Luật Đấu thầu năm 2013, nhằm bảo đảm tính thống nhất, chỉnh thể của văn bản quy phạm pháp luật về PPP, bảo đảm tính liên tục của quy trình thực hiện một dự án PPP. Đa số đại biểu quốc hội (ĐBQH) thống nhất việc quy định Chương “Lựa chọn nhà đầu tư” ngay tại Dự thảo Luật, đồng thời yêu cầu Chính phủ nghiên cứu bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn tại chương này.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Chính phủ đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung nội dung quy định chi tiết về lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP ngay tại Luật bảo đảm tính đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ và pháp lý cao trong thực thi dự án PPP. Đồng thời, bổ sung và làm rõ các quy định đặc thù trong lựa chọn nhà đầu tư.
Dự thảo Luật bản công bố lấy ý kiến tháng 3/2020 đã chỉnh lý chương này, tăng từ 9 Điều tại Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 thành 15 Điều, bố cục lại thành 3 mục: Quy định chung về lựa chọn nhà đầu tư; Hình thức lựa chọn nhà đầu tư; Phương pháp đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu.
Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc tiếp thu, bổ sung nội dung quy định chi tiết hơn về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP tại chương này sẽ bảo đảm quy định đồng bộ, thống nhất cả vòng đời dự án, từ việc chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, thành lập doanh nghiệp dự án, ký kết hợp đồng, triển khai thực hiện, chuyển giao, thanh lý hợp đồng dự án.
Siết chỉ định nhà đầu tư
Cụ thể, Dự thảo Luật PPP quy định 4 hình thức lựa chọn nhà đầu tư gồm đấu thầu rộng rãi, đàm phán cạnh tranh, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Trong đó, chỉ định nhà đầu tư chỉ được áp dụng trong hai trường hợp.
Thứ nhất dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước khi có báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, Bộ Công an đối với yêu cầu về bảo đảm an ninh quốc gia, Bộ quản lý chuyên ngành đối với yêu cầu về bảo đảm bí mật nhà nước.
Thứ hai là dự án cần phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Với loại dự án này, việc chỉ định chỉ được thực hiện khi đáp ứng các điều kiện: hợp đồng đã được ký kết nhưng đã bị chấm dứt trước thời hạn hoặc có nguy cơ bị chấm dứt trước thời hạn mà không do lỗi của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng; không thể áp dụng được hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu rộng rãi và đàm phán cạnh tranh; phải có ý kiến thống nhất của bên cho vay.