Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng các cấp chính quyền và người dân phải luôn tuyệt đối không được chủ quan, nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên từng địa bàn. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng đưa ra ý kiến này tại Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và triển khai công tác trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu những nỗ lực của lực lượng tìm kiếm cứu nạn, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt, trong việc hạn chế ở mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cho nhân dân và Nhà nước.
“Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã chỉ đạo cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị chuyên trách duy trì nghiêm chế độ trực; rà soát điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án sát thực tế tình hình, tổ chức luyện tập sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó kịp thời các tình huống xảy ra”, Phó Thủ tướng nói.
Công tác cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn đã được các lực lượng triển khai kịp thời, có hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ".
Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng đã chỉ đạo tốt công tác huấn luyện, hội thao, diễn tập qua đó đã nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, điều hành, phối hợp và khả năng cơ động ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn của các lực lượng; từng bước làm tốt công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.
Ưu tiên cao nhất là tìm kiếm người mất tích tại Yên Bái, Sơn La
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương các lực lượng tìm kiếm cứu nạn đang rất nỗ lực, chạy đua với thời gian để tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau trận lũ quét lịch sử rạng sáng ngày 3/8.
“Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tôi ghi nhận nỗ lực của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn. Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này là khẩn trương tìm kiếm những người còn mất tích”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh những ưu điểm và kết quả nổi bật, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác tìm kiếm cứu nạn trên cả nước vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.
Theo Phó Thủ tướng, vẫn còn tình trạng chủ quan trong việc ứng phó với thiên tai, sự cố. Nhiều lúc, nhiều nơi còn bị động khi gặp tình huống khẩn cấp. Việc rà soát, đánh giá các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, di dời người dân... còn chủ quan. Người dân cũng chủ quan, do đó khi tình huống xảy ra, gặp rất nhiều khó khăn trong khắc phục.
Công tác tuyên truyền về ứng phó thiên tai, sự cố tuy đã được quan tâm, chú trọng hơn trong thời gian qua, song nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa thật đầy đủ, vẫn còn tư tưởng chủ quan, đơn giản, nhất là trong việc sơ tán khi có bão lũ.
Phó Thủ tướng cho rằng, việc chủ quan, lơ là của người dân chính là từ sự chủ quan của cán bộ, chính quyền các cơ quan chức năng.
“Người dân nắm chưa vững, còn chủ quan, chính là trách nhiệm của cán bộ, các tổ chức, các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền về ứng phó thiên tai, sự cố”, Phó Thủ tướng nói.
Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, mưa lũ, nguy cơ cháy rừng… còn nhiều hạn chế. “Chỉ cần dự báo, cảnh báo sớm được vài phút cũng sẽ góp phần quan trọng giảm thiệt hại, tạo thuận lợi hơn cho công tác tìm kiếm, cứu nạn”.
Một hạn chế nữa trong công tác tìm kiếm cứu nạn thời gian qua là việc duy trì chế độ ứng trực, theo dõi nắm tình hình vụ việc và thực hiện chế độ báo cáo theo phân cấp của ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp cơ sở có vụ việc chưa kịp thời; công tác phối hợp hiệp đồng với cấp ủy chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, điển hình như việc xả lũ sai quy trình, không thông báo sớm với người dân như vừa qua.
Cùng với đó, vẫn còn tình trạng cung cấp và báo cáo thông tin cứu nạn chậm, chưa chính xác; tình trạng báo nạn giả còn nhiều; gây khó khăn, tốn kém trong tìm kiếm cứu nạn. Theo thống kê, trong năm 2016 có 499 vụ báo nạn, trong đó có 119 vụ báo nạn giả.
Trang bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn còn thiếu, nhất là các trang bị chuyên dùng tìm kiếm cứu nạn biển xa và ứng cứu, tìm kiếm cứu nạn sự cố công trình ngầm, thiết bị chữa cháy...
Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành giao thông trong việc kiểm soát phương tiện giao thông còn hạn chế, xử lý các vi phạm chưa nghiêm. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn ngày càng nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Sẵn sàng ứng phó để tìm kiếm cứu nạn hiệu quả
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, do tác động của biến đổi khí hậu năm 2017 và những năm tiếp theo tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục diễn biến rất phức tạp, cực đoan và khó lường. Cùng với đó, trong quá trình phát triển sản xuất, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng, mở rộng sản xuất công nghiệp sẽ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, sự cố khó lường có thể xảy ra cả trên đất liền và trên biển.
“Đây chính là những thách thức vô cùng lớn đối với công tác ứng phó thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Muốn giảm nhẹ được thiệt hại, phải gắn việc chủ động ứng phó với công tác tìm kiếm cứu nạn”, Phó Thủ tướng nói.
Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các cấp chính quyền và người dân “tuyệt đối không được chủ quan, luôn nắm chắc tình hình sự cố, thiên tai trên từng địa bàn, từ đó chủ động kịp thời với mọi tình huống. Khi xảy ra sự cố, thiên tai cần phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, báo cáo kịp thời tham mư¬u đề xuất triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả các tình huống”.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các phương án ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên từng địa bàn; đặc biệt các khu vực có nguy cơ cao về sự cố, thiên tai; kế hoạch, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; mưa lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất trên diện rộng, động đất, sóng thần,... sát tình hình thực tế của địa phương.
“Phải có cơ chế gắn trách nhiệm các bộ, ngành, các địa phương với kết quả ứng phó với thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn. Nơi nào xảy ra sự cố mà công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn hiệu quả kém thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát nơi xảy ra lũ quét ở Mù Cang Chải, Yên Bái ngày 3/8. Ảnh: VGP
Bên cạnh đó, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân bằng nhiều hình thức hấp dẫn, sáng tạo, trong đó đề cao trách nhiệm của các cấp các ngành trong công tác ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, chống mọi biểu hiện chủ quan trong nhận thức, đơn giản trong xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện.
Tăng cường kiểm tra các bộ, ngành, địa phương về phương án, kế hoạch ứng phó, công tác quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo thuộc lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Một yêu cầu nữa cũng được Phó Thủ tướng đặt ra với lực lượng tìm kiếm cứu nạn là tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương với các nước trong khu vực và quốc tế để trao đổi dữ liệu khí tượng, thủy văn, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo bão, lũ; học tập kinh nghiệm về huấn luyện, đào tạo, quản lý, phòng ngừa sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch xúc tiến, trao đổi, hợp tác công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, đàm phán vùng tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực theo kế hoạch thực hiện Công ước SAR79 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Cần sớm xây dựng thêm cơ chế hợp tác trực tiếp giữa các lực lượng tìm kiếm cứu nạn quốc tế với nhau bên cạnh các cơ chế như hiện nay, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả công tác ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.