Với vai trò là “thuyền trưởng” của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên luôn nhận được sự tin yêu của cán bộ công nhân viên trong Công ty, cũng như niềm tin từ các cổ đông. Ảnh: Đặng Tâm |
Dấu ấn về sự đổi mới sáng tạo của một nữ doanh nhân tại một doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là hết sức rõ nét.
Từ con số 1,5 tỷ USD trong danh sách công bố năm 2016, giá trị thương hiệu của Vinamilk trong bảng xếp hạng của Forbes năm 2017 đã tăng lên hơn 1,7 tỷ USD . Điều đó đã minh chứng không chỉ sự lớn mạnh của Vinamilk một cách áp đảo để gìn giữ ngôi vị số 1 trên thị trường, mà còn cho thấy sự không ngừng vươn lên của doanh nghiệp (DN) này. Với vai trò là “thuyền trưởng” của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên luôn nhận được sự tin yêu của cán bộ công nhân viên trong Công ty, cùng niềm tin từ các cổ đông.
Sáng tạo là yếu tố sống còn
“Yếu tố đầu tiên mà tôi cũng như hơn 6.000 lao động ở Vinamilk tâm niệm là phải làm việc hết sức mình với cường độ và ý chí cao. Một điều vô cùng quan trọng nữa là phải có tính sáng tạo, không đi theo xu hướng đám đông, có thể đi ngược lại xu thế nếu mình tin tưởng là có hiệu quả”, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc của Vinamilk chia sẻ.
Theo xu hướng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, Vinamilk đã có thời gian mở rộng ra ngoài ngành nghề chính yếu là sản xuất các sản phẩm từ sữa. Vinamilk kinh doanh thêm cà phê, bia, một số dự án bất động sản. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi đầu tư không thấy có triển vọng, Ban giám đốc Công ty đã quyết định thoái vốn khỏi các dự án một cách rất dứt khoát để đầu tư vào các ngành nghề trọng tâm. Đó là một bài học và bây giờ Vinamik chỉ tập trung vào chuyên ngành sữa. Tuy nhiên, CEO của Vinamilk cũng cho biết, nếu sau này có một mặt hàng nào có thể sinh lời tốt thì Vinamilk vẫn có thể mua lại để kinh doanh.
Là công ty dinh dưỡng lớn nhất Việt Nam và là 1 trong 2.000 DN niêm yết lớn nhất toàn cầu (nguồn: Forbes Global 2000 năm 2017), trong nhiều năm qua, Vinamilk luôn tập trung đầu tư và mở rộng nguồn nguyên liệu để chủ động trong việc sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Với mục tiêu mở rộng sản xuất, kinh doanh, Vinamilk đã xây dựng nhiều nhà máy tại nước ngoài như Nhà máy Driftwood tại bang California, Mỹ; Nhà máy Angkormilk tại thủ đô Phnompenh, Campuchia; xây dựng nhà máy tại New Zealand; mở công ty con tại Ba Lan. Từ các nhà máy này, các sản phẩm của Vinamilk đã được xuất khẩu đến 43 nước trên thế giới.
Với mục tiêu phát triển thương hiệu DN, mở rộng thị trường tiêu thụ ra các nước, năm 2017, Vinamilk đã đưa ra một chiến lược dài hơi cho 5 năm 2017 - 2021. Theo đó, DN này xác định: giành thế dẫn đầu áp đảo ở tất cả các ngành hàng sữa; tạo ra những năng lực để thắng lợi ở mảng ngành hàng lạnh; phát triển kênh bán hàng mới; trở thành công ty sữa tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất tại Đông Nam Á, đi đầu trong đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, sẽ đầu tư vào các thị trường đang phát triển và mới nổi tại Đông Nam Á để xây dựng các công ty con thành công thông qua việc M&A và hợp tác. Vinamilk cũng xác định, trong 5 năm tới sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội tại thị trường Mỹ và châu Âu, châu Á và châu Phi để tăng cường năng lực sản xuất và nguồn nguyên liệu sữa; đồng thời, đầu tư có chọn lọc vào các ngành hàng và kênh phân phối sẽ trở thành trụ cột cho tăng trưởng trong 10 - 20 năm tới.
Theo bà Mai Kiều Liên, muốn có sản phẩm đi đầu trên thị trường thì phải luôn sáng tạo và đây cũng chính là yếu tố sống còn đối với mỗi DN. Vinamilk rất tự tin với kế hoạch kinh doanh trong 5 năm tới vì không chỉ thị trường trong nước, mà thị trường nước ngoài cũng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây là nền tảng kinh doanh vững chắc để Vinamilk phát triển kế hoạch kinh doanh tại các thị trường quốc tế.
Dấu ấn Mai Kiều Liên
Sinh ở Pháp trong một gia đình mà bố mẹ đều là bác sĩ, bà Mai Kiều Liên cùng bố mẹ về Việt Nam theo tiếng gọi của Bác Hồ để cống hiến cho đất nước. Gắn bó với ngành sữa có lẽ là duyên phận bởi CEO Vinamilk chia sẻ, bà đã từng trăn trở rất nhiều khi Nhà nước cử đi Nga học về ngành chế biến sữa - một ngành mà lúc đó còn hoàn toàn mới lạ ở Việt Nam vì thời đó Việt Nam không có ngành sữa. Tuy nhiên, với sự động viên của gia đình và lãnh đạo Nhà nước là “sau chiến tranh, người dân và trẻ em Việt Nam sẽ gặp nhiều vấn đề về dinh dưỡng, không tránh khỏi sự suy yếu về thể chất, suy dinh dưỡng. Ngành sữa sẽ trở nên rất cần thiết trong tương lai để hỗ trợ cho việc phát triển thể chất người dân Việt Nam”. Chính vì vậy, bà đã quyết tâm theo đuổi và gắn bó với ngành sữa và Vinamilk hơn 40 năm qua.
Cùng với quyết định sáng suốt để dẫn đến sự thành công rực rỡ của Vinamilk là phải cổ phần hóa và đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, “nữ tướng” ngành sữa cũng đã có nhiều quyết định nhìn xa, trông rộng khi nhiều năm trước đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và hệ thống nhà máy trong và ngoài nước nhằm chủ động việc sản xuất của Công ty. Có thể nói cho đến thời điểm này, có tới 90% ý tưởng sản phẩm mới của Vinamilk xuất phát từ bà Mai Kiều Liên. CEO Vinamilk cũng là tác giả khai sinh ra việc sản xuất theo phương pháp công nghiệp các mặt hàng: sữa chua, sữa bột cho trẻ em, sữa tươi tiệt trùng, sữa đậu nành, nước ép trái cây, phomai… của Vinamilk.
Là một người phụ nữ quyền lực trên thương trường, nhưng sau giờ làm việc giống như bao nhiêu phụ nữ Việt Nam khác, bà cũng tự tay vào bếp hay làm việc nhà vì gia đình không có người giúp việc. Không chỉ duy trì thói quen tập thể dục cho bản thân, mà tại Công ty bà cũng chú trọng phát triển đời sống tinh thần, sức khỏe cho nhân viên. Trong trụ sở chính của Vinamilk tại Quận 7 (TP.HCM) được trang bị nhà ăn, khu tập thể dục bao gồm phòng tập yoga, phòng tập gym, hồ bơi và khu thư giãn ngoài trời.
Trong các DN niêm yết, có lẽ ít có công ty nào mà tại các Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) mọi đề xuất của Ban lãnh đạo Công ty đều gần như được thông qua 100% vì ở Vinamilk, các cổ đông đặc biệt tin tưởng vào tài thao lược của bà Mai Kiều Liên. Có lẽ chính vì vậy mà cổ đông của Vinamilk đều là những cổ đông trung thành gắn bó với sự lớn mạnh của Công ty nhiều năm.
ĐHĐCĐ của Vinamilk năm nào người ta cũng bắt gặp hình ảnh bà Liên ân cần tới từng bàn bắt tay hỏi thăm các cổ đông như những người bạn cũ trước khi bắt đầu hội nghị. Phong cách giản dị, gần gũi của bà Mai Kiều Liên thể hiện rõ ngay cả khi bà đang ngồi bàn chủ tọa điều hành công việc và cách trả lời từng câu hỏi của cổ đông vô cùng ngắn gọn, dễ hiểu và đi thẳng vào vấn đề. Bà Mai Kiều Liên nói rằng, văn hóa mà Vinamilk xây dựng từ lâu nay là minh bạch và công bằng. “Tôi quan niệm, đã là công ty niêm yết lớn thì không nên giấu giếm điều gì”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ.