Minh bạch nguồn chi cho bảo vệ môi trường

(BĐT) - Tách nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường trong tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) để dành riêng cho chi bảo vệ môi trường; xem xét xây dựng chính sách thuế carbon để tăng nguồn thu; đồng thời, giám sát chặt chẽ công tác quản lý chi là những giải pháp góp phần tăng hiệu quả thu - chi ngân sách cho bảo vệ môi trường, hướng tới một nền tài khoá xanh và bền vững.
Để tăng nguồn chi cho bảo vệ môi trường, một giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng là thuế carbon. Ảnh: Lê Tiên
Để tăng nguồn chi cho bảo vệ môi trường, một giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng là thuế carbon. Ảnh: Lê Tiên

Siết quản lý chi

Trong quản lý NSNN về môi trường hiện nay, các con số về thu - chi đã được công khai, song số thu từ thuế bảo vệ môi trường hiện được “đổ” chung vào tổng thu NSNN, sau đó, phân chia theo từng nhiệm vụ chi riêng lẻ. Điều này gây nhiều hoài nghi về khả năng quản lý thu - chi của sắc thuế này, đặc biệt trong công tác quản lý chi.

Đánh giá về vấn đề này, TS. Lê Thị Thuỳ Vân, Trưởng ban Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế của Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính nêu một số thách thức của ngành tài chính.

Đó là, chính sách thuế bảo vệ môi trường còn hạn chế về cả phạm vi và mức thu, chưa tạo được sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, hành vi của doanh nghiệp, người dân trong quá trình sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường.

Bên cạnh đó, việc chi NSNN của một số đơn vị sử dụng ngân sách còn dàn trải, thiếu hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích như phân bổ chi sự nghiệp môi trường cho các nhiệm vụ điều tra, khảo sát nhưng thiếu gắn kết với các dự án, đề án cụ thể; hay chưa chú trọng phân bổ kinh phí cho công tác hoàn thiện hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về bảo vệ môi trường...

Từ phân tích đó, bà Vân kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế liên quan đến bảo vệ môi trường để có tác động tốt hơn đến nhận thức, hành vi của doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, đa dạng hoá các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực tài chính thông qua các định chế tài chính, hệ thống ngân hàng thương mại...

Đáng chú ý, vị chuyên gia này cho biết, rất đồng tình với chỉ đạo của Quốc hội về việc Bộ Tài chính cần có biện pháp để nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường tập trung cho hoạt động bảo vệ môi trường, để làm được như vậy cần tách bạch nguồn thu này ra khỏi tổng thu NSNN và để dành riêng cho bảo vệ môi trường. 

Nghiên cứu áp dụng thuế carbon

Để góp phần tăng nguồn chi cho bảo vệ môi trường, một trong những giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng là thuế carbon đánh vào lượng khí carbon thải ra không khí. Sắc thuế này vừa góp thêm tiền cho NSNN lại vừa giúp nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về nội dung này, ông Andress Bockermann, chuyên gia về chính sách tài khoá xanh của Đức cho biết, thuế carbon đã được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Thuỵ Điển là điển hình thành công về việc áp dụng chính sách thuế này, qua đó, giúp giảm 9% lượng carbon phát thải trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2007 và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định.

Đan Mạch cũng áp dụng chính sách thuế này từ những năm 70 của thế kỷ XX. Theo đó, nguồn thu của thuế được dùng để giảm thuế đánh vào người lao động và giảm tác động gián tiếp của thuế môi trường lên nhóm có thu nhập thấp. Theo ước tính của Tổ chức Bảo vệ môi trường Đan Mạch, lượng khí nhà kính đã giảm 24% trong giai đoạn 1990 - 2001 so với kịch bản thông thường.

Liên hệ vấn đề này tại Việt Nam, ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cho biết, đơn vị của ông đã nghiên cứu và đang góp ý với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và thực thi chính sách thuế carbon. “Nhiều quốc gia đã bắt đầu áp dụng và dẫn đến tình trạng “rò rỉ carbon”, tức là, doanh nghiệp ở những nước có áp dụng chính sách thuế carbon đã tính đến việc chuyển nhà máy sang các nước khác để tránh thuế. Do đó, nếu Việt Nam chậm chân trong việc thực thi chính sách thuế này thì đất nước chúng ta có thể trở thành điểm đến của những doanh nghiệp có ý định như vậy”, ông Kiên nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm về thuế carbon, bà Lê Thị Thuỳ Vân cho biết: “Trong dài hạn, chính sách thuế này góp phần bảo vệ môi trường nhưng về ngắn hạn có thể làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp, từ đó, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tăng trưởng. Vì lý do đó, nhiều nước rất cân nhắc khi phải lựa chọn giữa các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn như vậy. Tại Đông Nam Á, Singapore là nước đầu tiên dự kiến áp dụng từ năm 2019 và nguồn thu từ thuế carbon sẽ chỉ được sử dụng cho hoạt động bảo vệ môi trường”.