TP.HCM đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn |
“Độ mở cao” từ lãnh đạo cao nhất
Phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đang tổ chức lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu Tư vấn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện trên địa bàn TP.HCM. Thời gian bán hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 13/9 đến 3/10/2018.
Ngay từ khi chuẩn bị những thủ tục đăng tải thông báo mời thầu gói thầu tư vấn nêu trên, đại diện Bên mời thầu đã bày tỏ mong muốn gói thầu này thu hút được sự tham gia của đông đảo nhà thầu tư vấn trong cả nước. Ngay khi thông báo mời thầu được đăng tải cũng như bắt đầu phát hành HSMT, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM luôn có những trao đổi chân tình với Báo Đấu thầu: “Chúng tôi thực sự mong muốn các đơn vị tư vấn uy tín, chuyên nghiệp nhất tham gia gói thầu này. Chúng tôi rộng cửa với mọi nhà thầu. Mong muốn của chúng tôi là tất cả các nhà thầu từ Bắc vào Nam, có sự am hiểu về lĩnh vực này tích cực tham gia. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM ngoài việc đăng công khai thông báo mời thầu còn sẵn sàng huy động các kênh thông tin khác, thậm chí mời gọi trực tiếp đến các nhà thầu để khuyến khích họ tham gia gói thầu này”.
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, sở dĩ bên mời thầu này mong muốn và sẽ tạo điều kiện tối đa để các nhà thầu tham gia gói thầu tư vấn vì “chúng tôi đặt kỳ vọng vào việc qua đấu thầu rộng rãi, sẽ lựa chọn được đơn vị tư vấn phù hợp nhất, có khả năng nhất để giúp chúng tôi lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện. Đây là dự án ở lĩnh vực mới, cần ứng dụng công nghệ tiên tiến, lần đầu được tổ chức tại TP.HCM, do đó, yêu cầu đặt ra là tư vấn giỏi mới lựa chọn được nhà đầu tư tốt”.
Không phải đến giai đoạn mời thầu tư vấn, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM - đơn vị trực tiếp triển khai mới có những động thái “mở” với các nhà thầu như vậy. Ngay khi TP.HCM tổ chức hội nghị kêu gọi nhà đầu tư tham gia lĩnh vực xử lý chất thải bằng công nghệ mới, lãnh đạo Thành phố đã đưa ra thông điệp này. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã cam kết với các nhà đầu tư: “Việc lựa chọn nhà đầu tư vào các dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện sẽ tuân thủ nghiêm túc Luật Đấu thầu để tạo ra môi trường cạnh tranh, minh bạch nhất. Các nhà đầu tư chỉ cần cạnh tranh với nhau bằng công nghệ đột phá, phương án tài chính phù hợp, tính khả thi của dự án mà thôi”.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, các đơn vị tư vấn cho biết, việc các bên mời thầu, đặc biệt là lãnh đạo cao nhất của TP.HCM đưa ra thông điệp “mở” đối với việc lựa chọn nhà thầu là một động thái rất đáng hoan nghênh và cần nhân rộng. “Điều này thực sự tạo niềm tin, sự hứng thú tham gia cho tất cả các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực này để có thể giúp Thành phố lựa chọn được nhà đầu tư tốt”, một đơn vị tư vấn khẳng định.
Còn nhiều gói thầu bị bưng bít “trọn gói”
Cũng trong thời điểm này, tại tỉnh Kon Tum, có đến 5 nhà thầu phải lập biên bản tại chỗ về việc không mua được HSMT. Theo đó, ngày 30/8/2018, các nhà thầu, bao gồm: Công ty CP Thành Phát, Công ty CP Xây dựng số 8 Hà Nội, Công ty TNHH Quốc tế Trung Việt, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tường An và Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Hưng đã đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Tu Mơ Rông để mua HSMT Gói thầu Xây lắp công trình (cả thiết bị) thuộc Dự án Nước sinh hoạt trung tâm huyện Tu Mơ Rông. Theo trình bày của các nhà thầu, dù đã có mặt tại địa điểm bán HSMT từ ngày 23/8 để mua nhưng luôn nhận được câu trả lời “người bán HSMT đi vắng” và lãnh đạo Ban thì không thể liên lạc được. Mặc dù ngay sau đó các nhà thầu có thông tin sự việc đến lãnh đạo UBND huyện Tu Mơ Rông nhưng 1 tuần sau vẫn không được giải quyết việc mua HSMT.
Thời gian qua, tình trạng các nhà thầu không mua được HSMT tại các địa phương vẫn còn phổ biến. Báo Đấu thầu thường xuyên tiếp nhận những biên bản viết tay, biên bản tường trình sự việc, thậm chí là đơn kêu cứu về việc không thể mua được HSMT. Đáng buồn thay, những tiếng nói phản ánh của các nhà thầu này dù đã đến tận tai của lãnh đạo cao nhất của địa phương, đến Chủ tịch UBND các huyện nơi xảy ra tình trạng nhiễu nhương đó nhưng vẫn không được xử lý. “Với những gói thầu và bên mời thầu như vậy, chúng tôi vẫn nói đùa là được bao thầu trọn gói rồi, bất khả xâm phạm rồi”, một nhà thầu bức xúc.
Hai câu chuyện với hai thông điệp về tính “mở” và “khép kín” trong việc mời thầu ở trên đã cho thấy, chỉ khi nào lãnh đạo cao nhất, người có thẩm quyền của dự án tại địa phương quyết liệt với tinh thần cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu thì khi đó, niềm tin của các nhà thầu mới được giữ vững để ra sức thi thố bằng năng lực thật sự.