Một năm thực thi CPTPP: Tăng sức ép hoàn thiện thể chế

(BĐT) - Sau hơn 1 năm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ những tác động của Hiệp định. Đến thời điểm này, xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên CPTPP bước đầu có sự tăng trưởng, nhưng hiệu quả thu hút đầu tư còn hạn chế, việc nội luật hóa các cam kết của Việt Nam trong CPTPP còn chậm.
Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện khả năng tận dụng các ưu đãi của CPTPP. Ảnh: Lê Tiên
Doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện khả năng tận dụng các ưu đãi của CPTPP. Ảnh: Lê Tiên

Kết quả chưa tương xứng với kỳ vọng

Tại Hội thảo “Thực hiện hiệu quả CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhìn nhận, sau 1 năm thực hiện, Hiệp định đã có những tác động bước đầu tới hoạt động kinh tế. Năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2018, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1 tỷ USD, chỉ tăng 1%. Những ngành nhanh chóng tận dụng được các ưu đãi thuế quan của Hiệp định là thủy sản, dệt may, da giày… DN Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện khả năng tận dụng các ưu đãi này, đặc biệt là khi cộng hưởng với việc khai thác các hiệp định thương mại tự do khác.

Với hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), CPTPP có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư - kinh doanh ở Việt Nam. Các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP. Tuy nhiên, FDI còn tập trung nhiều ở những phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, sử dụng công nghệ trung bình, giá trị gia tăng trong nước thấp. Hiệu quả thu hút FDI chất lượng cao còn hạn chế.

Đặc biệt, về cải cách thể chế giúp DN tận dụng cơ hội từ CPTPP, nhóm nghiên cứu của CIEM đánh giá, công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Tuy nhiên, việc thực thi hiệu quả Hiệp định đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế như hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP; cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan; kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét: “Hơn 1 năm thực hiện Hiệp định cho thấy, có những vấn đề cải cách thể chế đáng lẽ phải thực hiện ngay từ tháng 1/2019 để giúp DN nắm bắt cơ hội từ Hiệp định, nhưng đến nay vẫn là kỳ vọng”. Ngoài ra, hiện còn nhiều quy định, cam kết về thể chế nội luật hóa quá muộn do chúng ta làm chậm. 

Làm gì để tận dụng cơ hội?

CPTPP được đánh giá mang lại cơ hội không nhỏ cho DN Việt Nam, tuy nhiên, sau 1 năm thực thi Hiệp định, nhóm nghiên cứu của CIEM chỉ ra, DN còn phải điều chỉnh, xử lý một số vấn đề quan trọng để sẵn sàng hơn với CPTPP. Cụ thể, về mức độ hiểu biết, các DN còn quá lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn; mới chỉ hiểu về thuế quan và cắt giảm thuế quan, chứ chưa thực sự hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT)…; thiếu thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong và ngoài nước. Cùng với đó, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, năng lực khoa học công nghệ cũng như năng lực quản lý của DN vẫn còn hạn chế.

CIEM cho rằng, tác động của CPTPP đối với DN sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ DN.

Bên cạnh việc tăng cường phổ biến thông tin và đào tạo cho DN, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh 3 điểm Chính phủ cần đặc biệt quan tâm. Trước hết, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với cam kết. CPTPP tác động lên toàn bộ nền kinh tế nên đòi hỏi sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của các cấp. Hai là, hiện nay, bối cảnh thế giới cũng có những thay đổi, dù CPTPP là hiệp định chất lượng cao nhưng hiện có nhiều vấn đề mới như cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dịch chuyển dữ liệu, chuyển đổi số… “Do vậy, chúng ta không chỉ thực thi đúng cam kết mà còn cần vượt lên các quy định này để đáp ứng xu thế mới, đảm bảo kinh tế chuyển động vượt lên bền vững”, ông Thành lưu ý. Ba là, cùng với cải cách thể chế, Chính phủ cần tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, giảm thiểu chi phí không cần thiết, khích lệ DN phát triển, nhất là DN nhỏ và vừa.