Một số điểm mới trong Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa (Kỳ 2)

Với mục tiêu “đấu thầu để lựa chọn nhà thầu” chứ không phải “đấu thầu để loại bỏ nhà thầu”, trong hai Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá ban hành kèm theo Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá (Thông tư số 05) có nhiều quy định được xây dựng nhằm lựa chọn được nhà thầu tốt nhất trên các phương diện về năng lực, kinh nghiệm, đề xuất kỹ thuật và giá cả để trao hợp đồng.

Quy định về “Các sai khác, đặt điều kiện và bỏ sót nội dung”, “Xác định tính đáp ứng của hồ sơ dự thầu” và “Sai sót không nghiêm trọng” tại Chương I – Chỉ dẫn nhà thầu là nội dung mới so với quy định tại Thông tư số 05/2010/TT-BKH ban hành năm 2010; đây là nội dung hài hòa hóa với quy định trong hướng dẫn đấu thầu của ADB, WB. Với quy định này, Tổ chuyên gia không thể loại bỏ hồ sơ dự thầu đã đáp ứng yêu cầu cơ bản của hồ sơ mời thầu. Theo đó, trường hợp hồ sơ dự thầu đáp ứng cơ bản yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng vẫn còn một số sai sót thì các sai sót này sẽ được xem xét, chấp nhận nếu nó không phải là những sai khác, đặt điều kiện hay bỏ sót nội dung cơ bản trong hồ sơ dự thầu.

Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu quy định trong các Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư số 05 cũng có nhiều điểm mới so với quy định trước đây, trong đó bổ sung quy định nhà thầu không có hợp đồng không hoàn thành hoặc không có kiện tụng đang giải quyết. Ngoài ra, khi tham dự thầu, ngoài năng lực về kỹ thuật, nhà thầu phải chứng minh có đủ năng lực tài chính để thực hiện các hợp đồng dở dang và thực hiện gói thầu đang xét nếu được công nhận trúng thầu. Trường hợp nhà thầu được một tổ chức tín dụng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam cam kết sẽ cung cấp tín dụng để thực hiện gói đang xét với hạn mức tối thiểu bằng giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu thì nhà thầu không phải chứng minh năng lực tài chính để thực hiện các hợp đồng dở dang. Tuy nhiên, quy định này thông thường áp dụng đối với những hàng hóa đặc thù, phức tạp, quy mô lớn, có thời gian sản xuất, chế tạo dài. Còn đối với những gói thầu đơn giản, quy mô nhỏ thì không đưa quy định này vào hồ sơ mời thầu.

Ngoài ra, đối với những gói thầu có yêu cầu về dịch vụ sau bán hàng thì trong Bảng tiêu chuẩn đánh giá năng lực, kinh nghiệm, bên mời thầu có thể đưa các tiêu chí đánh giá đối với đại lý hoặc đại diện của nhà thầu về khả năng thực hiện các nghĩa vụ như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng thay thế hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác, ví dụ như thời gian sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, sai sót... kể từ khi nhận được yêu cầu của chủ đầu tư. 

Phần biểu mẫu trong Mẫu hồ sơ mời thầu cũng được quy định một cách cụ thể, rõ ràng, giúp cho nhà thầu thuận tiện hơn trong quá trình lập hồ sơ dự thầu. Trong phần Chương IV – Biểu mẫu dự thầu có bổ sung Mẫu đơn dự thầu áp dụng trong trường hợp nhà thầu có đề xuất giảm giá trực tiếp trong đơn dự thầu. Tại các Biểu mẫu chào giá của hàng hoá, Bên mời thầu cần ghi vào các cột “Danh mục hàng hoá”, “Đơn vị tính”, “Khối lượng mời thầu” phù hợp với Danh mục hàng hóa quy định tại Phần 2 – Yêu cầu về phạm vi cung cấp để theo đó, căn cứ các nội dung công việc mời thầu, nhà thầu điền đơn giá, thành tiền cho từng công việc tương ứng. Với quy định như nêu trên sẽ hạn chế tình trạng chào thừa, chào thiếu so với yêu cầu, giúp cho việc lập giá dự thầu và xem xét, đánh giá về giá dự thầu được thuận tiện, chính xác hơn. Khi đấu thầu trong nước, nhà thầu chào giá trọn gói cho hàng hoá, không phải tách thuế, phí, lệ phí, chi phí vận chuyển, bảo hiểm riêng như trước kia, tức là đơn giá của hàng hoá là đơn giá đã bao gồm tất cả các chi phí cần thiết để cung cấp hàng hoá theo yêu cầu của bên mời thầu. Còn đối với đấu thầu quốc tế, nhà thầu chào theo giá CIP hoặc CIF… tuỳ theo từng điều kiện giao hàng do Bên mời thầu quy định và theo các quy định của Incoterm cho phù hợp, theo đó, giá của hàng hoá cũng đã bao gồm tất cả các chi phí cần thiết để cung cấp hàng hoá theo yêu cầu của bên mời thầu nhưng không bao gồm các chi phí thuế, phí, lệ phí; tức là nhà thầu chào tách riêng thuế, phí, lệ phí với giá của hàng hoá. 

Đối với dịch vụ liên quan, tại phần Chỉ dẫn nhà thầu bổ sung thêm khái niệm “dịch vụ liên quan” bao gồm các dịch vụ như bảo hành, bảo trì, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng hoặc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng khác như đào tạo, chuyển giao công nghệ… Nếu gói thầu mua sắm hàng hoá có dịch vụ liên quan thì nhà thầu sẽ có một Bảng giá dự thầu chào riêng cho các dịch vụ này. Tổng cộng giá dự thầu sẽ bằng giá của hàng hoá cộng với giá của dịch vụ liên quan (nếu có).

Cũng liên quan đến quy định về giá dự thầu, trong Mẫu hồ sơ mời thầu có quy định trường hợp tại cột “Đơn giá dự thầu” và cột “Thành tiền” nhà thầu không ghi giá trị hoặc ghi là “0” thì được coi là nhà thầu đã phân bổ giá của công việc này vào các công việc khác thuộc gói thầu, nhà thầu phải có trách nhiệm thực hiện hoàn thành các công việc này theo đúng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu và không được Chủ đầu tư thanh toán trong quá trình thực hiện hợp đồng. 

So với quy định cũ, trong Mẫu hồ sơ mời thầu có bổ sung Mẫu thư chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng. Thư chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng là tài liệu có tính pháp lý, thể hiện ý kiến chính thức của Chủ đầu tư, Bên mời thầu trong việc chấp thuận hồ sơ dự thầu và trao hợp đồng cho nhà thầu. Khi nhận được thư này, nhà thầu cũng phải có ý kiến chấp thuận hay không chấp thuận đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Thông tư số 05 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2015 và thay thế Thông tư số 05/2010/TT-BKH ngày 10/2/2010. Với rất nhiều quy định mới phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, thông lệ quốc tế và hướng dẫn đấu thầu của ADB, WB, Thông tư số 05 sẽ góp phần nâng cao hiệu lực thực thi quy định của pháp luật về đấu thầu. Tuy nhiên, để Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đi vào cuộc sống, các tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp vào công tác lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cần hiểu và nắm rõ tất cả quy định mới của pháp luật về đấu thầu, trong đó có Thông tư số 05, và đặc biệt là cần nâng cao tính liêm chính, khách quan, minh bạch trong quá trình thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục