Mua bán nợ xấu không dễ

(BĐT) - Kể từ khi Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) có hiệu lực, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cùng với các TCTD đã được tạo điều kiện khá thuận lợi trong việc mua bán nợ theo cơ chế và giá thị trường. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Rất nhiều dự án bất động sản cùng hệ thống máy móc, thiết bị, nhà xưởng với giá trị hàng nghìn tỷ đồng đã được các TCTD “tích cực thu giữ” để nhanh chóng thu hồi được khoản nợ xấu mà bấy lâu vẫn nằm chờ cơ chế. 

Ồ ạt thông báo bán nợ xấu

Chưa đầy 1 tuần kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực (15/8/2017), ngày 21/8, VAMC đã khởi đầu cho việc thu giữ tài sản nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ xấu đối với Dự án Cao ốc Saigon One Tower của chủ đầu tư là Công ty CP Sài Gòn One Tower. Tổng dư nợ (kể cả gốc và lãi) của chủ đầu tư và nhóm 3 khách hàng gồm Công ty CP Đầu tư Liên Phát, Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng và Thương mại Minh Quân; Công ty CP Tân Superdeck - M&C tại dự án này tính đến thời điểm VAMC tiến hành thu nợ đã lên tới 7.000 tỷ đồng.

Sau “phát súng mở màn” này, hàng loạt khoản nợ trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng khác đã được các TCTD ồ ạt thông báo bán.

Điển hình như, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản ngân hàng Agribank (Agribank AMC) thông báo bán đấu giá toàn bộ tài sản, quyền sử dụng đất Dự án Cao ốc văn phòng V-Ikon tại địa chỉ số 129A - 131 - 131A - 133 - 135A - 153/33 đường Điện Biên Phủ, Phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM với giá khởi điểm gần 300 tỷ đồng.

Mới nhất, Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Hải Phòng thông báo bán khoản nợ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty TNHH MTV (Vinalines) với tổng dư nợ (gốc và lãi) tính đến ngày 25/10/2017 lên tới gần 150 tỷ đồng (bao gồm dư nợ gốc 86,7 tỷ đồng; dư nợ lãi là 59,4 tỷ đồng). Tài sản bảo đảm được Vinalines thế chấp cho khoản vay là toàn bộ tài sản hình thành từ Dự án Đầu tư xây dựng kho bãi container Vinalines tại Cụm công nghiệp Đông Hải - Hải An - Hải Phòng, được xây dựng trên diện tích mặt bằng 161,754 m2; cùng với lô phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị.

Có thể nói, chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhưng với khung pháp lý là Nghị quyết số 42 cùng văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các TCTD đã tiến hành thanh lý, thực hiện bán đấu giá nhiều khoản nợ xấu tồn đọng từ nhiều năm nay. 

Mua, bán có dễ?

Theo kế hoạch, cùng với VAMC, Ngân hàng Nhà nước đã chọn 6 ngân hàng gồm ACB, BIDV, VietinBank, Sacombank, Agribank và Techcombank để thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 42 của Quốc hội. Đây đều là những ngân hàng đang có khối lượng nợ xấu rất lớn cần xử lý.

Tuy nhiên, theo đánh giá, mặc dù hành lang pháp lý đã khá thuận lợi, nhưng việc bán các khoản nợ xấu lớn không hề dễ dàng. Minh chứng rõ nhất cho thực tế này là trường hợp của Dự án Cao ốc văn phòng V-Ikon.

Trước đó, vào trung tuần tháng 10/2017, Agribank AMC có thông báo bán đấu giá lần thứ 5 đối với Dự án Cao ốc văn phòng V-Ikon. Lúc này, giá khởi điểm của tài sản chỉ còn 299 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều lần so với giá khởi điểm của các phiên bán đấu giá đã được thông báo trước đó như 373,5 tỷ đồng (tháng 5/2017) hay 319,5 tỷ đồng (tháng 9/2017). Việc không có người đăng ký mua là nguyên nhân chính khiến mức giá chào bán của Dự án đến lần thông báo bán đấu giá thứ 5 đã thấp hơn khoảng 20% so với mức giá ban đầu. Và điều đáng nói là dù giá khởi điểm đã xuống nhưng Dự án vẫn không có người quan tâm.

Với Dự án Cao ốc Saigon One Tower, VAMC cho biết, sau khi thu giữ sẽ thuê thẩm định giá xác định giá trị tài sản đảm bảo là dự án này đối với khoản vay 7.000 tỷ đồng (gốc và lãi), sau đó sẽ tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, việc tiến hành bán đấu giá được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đã có 100 khách hàng mua căn hộ tại Dự án với số tiền mỗi người đã đóng lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo Nghị quyết số 42, các TCTD được bán đấu giá tài sản theo giá thị trường, tức là có thể cao hoặc thấp hơn dư nợ gốc. Quy định này giúp các TCTD chủ động hơn trong việc định giá, từ đó đẩy nhanh tốc độ thu hồi nợ xấu đã tồn đọng. Tuy nhiên, theo một chuyên gia, đối với những tài sản có giá trị lớn, hàng trăm nghìn tỷ thì khả năng người bán gặp được đúng người mua là điều không hề dễ dàng. Trong trường hợp này, tài sản có thể sẽ phải giảm giá trị nhiều lần mới hấp dẫn người mua.

Tin cùng chuyên mục