Vốn FDI vẫn đang tăng
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2015, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, trong đó lĩnh vực bất động sản đứng thứ ba với 34 dự án đầu tư đăng ký mới và 12 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đăng ký.
Theo ý kiến của các chuyên gia, sau giai đoạn trầm lắng kéo dài, bất động sản Việt Nam đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Đã có nhiều nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh hoạt động đầu tư vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam thông qua nhiều hình thức.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản JLL Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam được nhìn nhận là thị trường hấp dẫn so với nhiều nước Đông Nam Á khác, vì một thể chế chính trị ổn định, nền kinh tế đang cải thiện và thị trường bất động sản đang sôi động trở lại”, ông Wyatt nói.
Đồng quan điểm đó, ông Lim Hua-Tiong, Tổng giám đốc phụ trách miền Bắc của CapitaLand Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay đang hấp dẫn hơn so với nhiều nước trong khu vực.
“Tôi có thể so sánh việc đầu tư vào dự án bất động sản tại Việt Nam, chí ít là cũng tốt hơn so với đầu tư ở nước tôi - Singapore, nơi mà thị trường gần như đã bão hòa. Do đó, rất nhiều công ty hàng đầu về kinh doanh bất động sản của Singapore đang có mặt tại thị trường Việt Nam”, ông Hua-Tiong nói với Đầu tư Bất động sản.
Quả thật, đã có đến 5 trong số 10 công ty lớn nhất về bất động sản của Singapore có mặt tại Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore đã, đang và sẽ còn tiếp tục thành công với các dự án phát triển của mình tại Việt Nam.
Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam cho rằng, vốn ngoại vào bất động sản vẫn trên đà tăng trưởng từ 13 - 17%/năm, tuy nhiên, điểm sáng nhất của dòng vốn ngoại trong những năm gần đây, đó chính là chất lượng tăng nhanh cùng với số lượng, tức là con số giải ngân tăng trưởng nhanh hơn so với các năm trước đó.
“Nhìn vào con số giải ngân, chúng ta có thể tin tưởng ở sự lành mạnh và ổn định của dòng vốn ngoại vào thị trường bất động sản Việt Nam, vì nó thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài và niềm tin đó đang được thể hiện qua các hoạt động cụ thể, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ đăng ký mà thôi”, ông cho biết.
Ảnh: Lê Toàn
Đáng chú ý trong số này là dự án của Công ty Thành phố Đế Vương (Empire City), có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, do CTCP Bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd (Anh) đầu tư tại TP. HCM. Trước đó, nhà đầu tư ngoại đến từ Malaysia là Gamuda Land cũng đã thâu tóm toàn bộ Dự án Celedon City từ 2 công ty nội là CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) và CTCP Đầu tư Thành Thành Công.
Gaw Capital Partner - một quỹ đầu tư lớn từ Vương quốc Anh đã mua lại 4 dự án lớn với tổng giá trị lên đến 106 triệu USD từ Công ty Indochina Land - một nhà đầu tư gạo cội trong thị trường bất động sản của Việt Nam. Chưa hết, Gaw sau đó công bố góp 50% trong tổng vốn đầu tư dự kiến 1,2 tỷ USD của Dự án Empire City tại Thủ Thiêm để cùng 2 đối tác là công ty trong nước phát triển dự án này.
Ngoài các nhà đầu tư truyền thống vẫn đang tiếp tục mở rộng danh mục đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam như CapitaLand, Kepple Land hay Hongkong Land, thị trường cũng đón nhận những nhà đầu tư mới.
Và sự tham gia ngày càng sâu của các quỹ ngoại
Đầu năm 2015, Nam Long - một nhà phát triển nhà ở giá rẻ tại TP. HCM đã đạt được thỏa thuận hợp tác với Quỹ đầu tư IFC thuộc World Bank. Novaland, một nhà đầu tư trong nước có tiếng gần đây cũng đã phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho các đối tác chiến lược, trong đó đáng chú ý là có sự tham gia của 2 quỹ đầu tư ngoại là VinaCapital (15 triệu USD) và Dragon Capital. Trước đó, Vincom Retail cũng được 1 quỹ đầu tư ngoại là Warburg Pincus rót thêm 100 triệu USD hồi giữa năm 2015.
Đáng chú ý, làn sóng đầu tư từ Nhật Bản đang ngày càng thể hiện rõ ở thị trường bất động sản Việt Nam. Creed Group - một quỹ đầu từ lớn của Nhật có tổng tài sản 5 tỷ USD đang rót vốn mạnh vào địa ốc Việt Nam.
Cũng trong năm ngoái, Nam Long còn ký hợp đồng hợp tác với 2 nhà đầu tư khác đến từ Nhật là Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad để phát triển Dự án Flora Anh Đào (quận 9).
Ông Griffiths cho biết thêm, các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam bên cạnh việc tham gia vào thị trường bất động sản chủ yếu thông qua việc mua bán đất đai, dự án, thì giờ đây, họ cũng có cơ hội tham gia và sở hữu những dự án văn phòng, trung thâm thương mại, khách sạn... với sự ra đời của Quỹ Đầu tư bất động sản Techcom Việt Nam.
Đây là quỹ đầu tư bất động sản đầu tiên tại Việt Nam. Ông Griffiths cho rằng, mặc dầu cần thêm thời gian để quỹ này có thể đi vào hoạt động một cách trơn tru, nhưng đây là một cơ hội lớn đối với nhà đầu tư kể cả trong nước và nước ngoài.
“Triển vọng dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất lớn, xuất phát từ cả nhu cầu nhà ở thực tế, lẫn nhu cầu đầu tư. Thị trường hiện cũng đang có những diễn biến tích cực sau một thời gian dài đóng băng, do đó, đầu tư nước ngoài vào bất động sản trong năm 2016 cũng sẽ tiếp tục tăng trưởng”, ông Griffiths nhận định.
2016 - Cơ hội từ TPP
Vốn đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết vào tháng 2 năm nay.
Theo một báo cáo gần đây của Công ty Tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, mặc dầu bất động sản chưa phải là ngành nghề chịu tác động trực tiếp ngay từ TPP, nhưng nhu cầu của các ngành liên quan đến bất động sản, như khu công nghiệp, nhà kho và ngành hậu cần có thể sẽ tăng nhất định. Đây là kết quả của việc thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhu cầu về văn phòng, nhà ở cũng được dự kiến sẽ tăng lên, đáp ứng các yêu cầu thuê mặt bằng và chỗ ở của các công ty nước ngoài và người nước ngoài.
Báo cáo này chỉ rõ, TPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là từ các nước nhập khẩu chính các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam như Mỹ và Nhật Bản. Các công ty Mỹ có khả năng sẽ nhắm đến các khu đất công nghiệp tại các tỉnh phía Nam, nơi một số nhà máy dệt may hiện hữu đang tọa lạc.
Tương tự, các nhà sản xuất từ các nước khác chắc chắn cũng sẽ xem xét việc chuyển đổi từ các nước ngoài TPP như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ sang Việt Nam để hưởng mức thuế cực thấp. Điều này sẽ gia tăng thêm nhu cầu cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy, không nhất thiết từ các nền kinh tế trong TPP, mà còn từ các nền kinh tế ngoài TPP như Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan.
Ngoài ra, việc tăng giao dịch thương mại sẽ dẫn theo việc tăng nhu cầu cho các dịch vụ hậu cần. Sẽ có nhu cầu lớn hơn cho cơ sở hạ tầng, bao gồm đường bộ, đường sắt, cảng biển và cảng hàng không để tạo thuận lợi cho ngành hậu cần.
Việc tăng cường đầu tư nước ngoài và nhu cầu phát triển cho các công ty nước ngoài thành lập tại Việt Nam sẽ gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế.
Thêm vào đó, tăng trưởng dự kiến của các công ty nước ngoài đến Việt Nam đồng nghĩa với việc nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê và thậm chí căn hộ để bán sẽ tăng cao hơn.
Đặc biệt, Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2015, trong đó nới rộng điều kiện cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam sẽ khuyến khích nhiều khách hàng nước ngoài sở hữu 1 căn hộ tại Việt Nam thay vì đi thuê, đặc biệt là khi giá bán nhà ở tại Việt Nam đang thấp hơn đáng kể so với giá nhà của nhiều nước trong khu vực.