Năm 2019, nhiều dự án đầu tư công chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho thấy, năm qua có nhiều chuyển biến tích cực trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, nguồn vốn được bố trí tập trung hơn, hiệu quả đầu tư bước đầu được nâng cao. Tuy nhiên, tình trạng chậm tiến độ, kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí còn xảy ra tại nhiều dự án.
Các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân làm
tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền
kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư năm 2019 đúng quy định, Bộ KH&ĐT cho biết, trong năm 2019 có 69.011 dự án sử dụng vốn nhà nước thực hiện đầu tư, tăng 12.444 dự án so với năm 2018 (năm 2018 có 56.567 dự án, năm 2017 có 51.957 dự án và năm 2016 có 45.147 dự án). Trong đó, có 29.419 dự án chuyển tiếp, chiếm 42,62%; 39.592 dự án khởi công mới, chiếm 57,38%. Trong số các dự án khởi công mới có 19 dự án nhóm A, 1.031 dự án nhóm B, 38.542 dự án nhóm C.

Năm 2019 có 1.878 dự án chậm tiến độ, chiếm 2,7% số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ, trong đó có 49 dự án nhóm A, 502 dự án nhóm B, nhóm C có 1.327 dự án. Các nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng (1.267 dự án), do thủ tục đầu tư (337 dự án), năng lực chủ đầu tư, ban quản lý dự án,và các nhà thầu… Có 2.730 dự án thực hiện đầu tư trong năm 2019 phải điều chỉnh, chủ yếu là điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư, tiến độ đầu tư, vốn đầu tư. Có 35.229 dự án kết thúc đầu tư đưa vào khai thác sử dụng. Trong đó, 27 dự án có vấn đề về kỹ thuật, không có hiệu quả.

Bên cạnh đó, năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện kiểm tra đối với 15.834 dự án (chiếm 22,9% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ), tổ chức đánh giá 26.598 dự án (chiếm 38,54% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ). Qua kiểm tra đã phát hiện 18 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 17 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 125 dự án có thất thoát, lãng phí. Các dự án có thất thoát, lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán.

Bộ KH&ĐT nhận định, mặc dù các cơ quan đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, nhưng tình hình thực hiện vốn đầu tư trong năm 2019 chưa đạt kế hoạch, nhiều dự án vẫn còn chậm tiến độ, tỷ lệ các dự án phải điều chỉnh vẫn còn cao. Trong khi nguồn vốn còn hạn chế, việc giải ngân không đạt kế hoạch ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Các dự án chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Các dự án đầu tư phải điều chỉnh, đặc biệt là tăng tổng mức đầu tư, một mặt gây rất nhiều khó khăn cho công tác cân đối nguồn vốn thực hiện, mặt khác cũng ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư.

Ngoài ra, số lượng dự án thực hiện báo cáo giám sát, được kiểm tra, đánh giá còn thấp so với tổng số dự án thực hiện trong kỳ, cho thấy nhiều chủ đầu tư chưa nghiêm túc thực hiện công tác giám sát, đánh giá dự án theo quy định; nhiều bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế nhà nước chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc theo dõi, kiểm tra đối với các chương trình, dự án đầu tư. Bộ KH&ĐT đề nghị các cơ quan cần tích cực theo dõi, kiểm tra, trên cơ sở đó chấn chỉnh, giải quyết kịp thời các phát sinh trong quá trình đầu tư, bảo đảm các dự án đã có trong kế hoạch được thực hiện đúng trình tự thủ tục đầu tư, tiến độ, chất lượng công trình, thời hạn đưa công trình vào khai thác sử dụng…

Tin cùng chuyên mục