Nâng chất lượng nhân lực khai thác tiềm năng kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp (DN) là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nền tảng giúp khu vực DN phục hồi và phát triển bứt phá. Nội dung này được đề cập tại Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đang được gấp rút hoàn thiện.
Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ các vấn đề về tay nghề và chất lượng của lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ các vấn đề về tay nghề và chất lượng của lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên

Chuyển đổi số có thể làm mất 1/3 lượng việc làm

Theo Báo cáo Tiềm năng kinh tế số của Việt Nam do Google công bố mới đây, kinh tế số và chuyển đổi số có thể làm mất 1/3 lượng việc làm hiện có ở Việt Nam, đồng thời có thể tạo ra việc làm mới với những kỹ năng mới. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ ngắn hạn cho DN vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, Việt Nam cần chuẩn bị ngay giải pháp hỗ trợ trong trung và dài hạn, tạo nền tảng giúp khu vực DN nâng cấp kỹ năng số của lực lượng lao động để có thể thích ứng với tình hình mới.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho rằng, không quá 5 - 7 năm nữa, hàng triệu người trẻ Việt Nam có công ăn việc làm mới, nhưng cũng có từng ấy con người sẽ mất việc làm vì kinh tế số.

“Chúng ta nhìn thấy rất rõ trong số 2,7 triệu công nhân may; 1,7 triệu công nhân liên quan lĩnh vực da giày; gần 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử..., khoảng 70% sẽ thất nghiệp trong vòng 10 năm tới. Lý do rất đơn giản là người máy sẽ thay thế”, ông Tiến nhận định.

Minh chứng cho nhận định này, đại diện FPT cho biết, nếu như trước dịch Covid -19, tại Việt Nam, DN vẫn còn băn khoăn trong việc đưa người máy vào các nhà máy, thì chính đại dịch Covid-19 và giãn cách kéo dài ngày càng thôi thúc các nhà sản xuất tìm đến người máy. “Tôi tin chắc sau đợt dịch này sẽ có hàng loạt người máy được đưa vào các nhà máy sản xuất để thay thế con người. Bởi, người máy mang lại năng suất lao động cao. Bên cạnh đó, giá mua người máy hiện nay đã rẻ hơn, hợp lý hơn”, ông Tiến quả quyết.

Thực tế cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp do có nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19.

Trong khi đó, đề cập về những lợi ích của chuyển đổi số cho các lĩnh vực truyền thống, phi công nghệ, nghiên cứu của Google chỉ ra, chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các ngành này trong việc giúp DN tăng năng suất, doanh thu, tiết kiệm chi phí. Việc áp dụng kỹ thuật số cũng rất thiết yếu để Việt Nam ứng phó và phục hồi trong và sau dịch.

Tập trung nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực

Để giải bài toán về nguồn nhân lực cho DN trong bối cảnh mới, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần nâng cấp chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu mới. Ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, đây sẽ là “chìa khóa” để Việt Nam khai thác tiềm năng kinh tế số phục vụ cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế thời gian tới.

Đây cũng là một trong những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tại Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển DN giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tích cực hoàn thiện trình Chính phủ phê duyệt nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Dự thảo Nghị quyết, trong giai đoạn này, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ các vấn đề về tay nghề và chất lượng của lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu của DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều giải pháp cụ thể. Trước hết là hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế; huy động và sử dụng hiệu quả mạng lưới trí thức người Việt trong và ngoài nước, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. Xây dựng phương án, chính sách hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động nhằm nâng cao trình độ, kĩ năng, tay nghề của người lao động, tạo khả năng thích ứng, linh hoạt của người lao động Việt Nam; hỗ trợ lao động bị thất nghiệp quay lại thị trường lao động…

Để hỗ trợ các ngành truyền thống chuyển đổi công nghệ tạo giá trị gia tăng cao, đại diện Google khuyến nghị, Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng cần thiết để tiếp cận cơ hội mới.

Lãnh đạo FPT cho rằng, hiện thế giới đã phẳng nên cần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo những công dân toàn cầu để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục