Nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam tự tin về cơ hội tham gia vào Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Ảnh: Nhã Chi |
Với chiều dài toàn tuyến 1.541 km, việc đầu tư Dự án dự kiến tạo ra thị trường xây dựng giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường về xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD, phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD). Như vậy, việc đầu tư Dự án sẽ mở ra cơ hội thị trường lớn cho doanh nghiệp (DN) trong nước, từ việc sản xuất thép làm đường ray cho đến tham gia xây dựng cầu cống nơi đường sắt đi qua, hàng rào, lưới điện…
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, nhiều DN trong nước kỳ vọng về cơ hội cho thép Việt tại dự án này. Đại diện một DN thép khẳng định, DN trong nước hoàn toàn có khả năng tham gia cung ứng thép làm đường ray cho Dự án. Hiện nay, Việt Nam là nhà sản xuất thứ 12 thế giới về thép thô. Trong dự án này thì khối lượng sắt làm đường ray là rất lớn. “Tôi cho rằng, với khả năng sản xuất hiện nay, các DN thép Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp sản phẩm cho tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam”, đại diện DN thép nhìn nhận.
Trả lời báo chí, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long tự tin cho biết, hiện Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất đường ray tốc độ cao tại Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, không chỉ Hòa Phát, mà nhiều DN sản xuất thép khác có thể tham gia cung ứng thép thực hiện dự án này. Đơn cử, thời gian qua, Gang thép Thái Nguyên đã sản xuất thép phục vụ cho nhiều lĩnh vực đòi hỏi tiêu chuẩn cao.
Ông Nguyễn Quang Tạo, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Ngãi Cầu chia sẻ, theo những gì mà ông tìm hiểu được thì DN sản xuất thép trong nước hoàn toàn có khả năng cung ứng thép cho Dự án. Lâu nay, những nhà cung ứng thép lớn như: Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên... đã cung cấp được cho thị trường những sản phẩm thép có tiêu chuẩn chất lượng cao nên khả năng đáp ứng thép cho triển khai đầu tư Dự án là khả thi. Bên cạnh đó, các DN gia công thép như Ngãi Cầu cũng hoàn toàn có thể tham gia Dự án.
Tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung nội dung quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được ưu tiên phát triển. Cụ thể, xác định công nghiệp đường sắt bao gồm: sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt; sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này không chỉ tạo động lực phát triển ngành công nghiệp đường sắt, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho DN sản xuất thép cũng như DN công nghiệp hỗ trợ.
Theo Dự thảo Báo cáo thực trạng phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam được Bộ Công Thương thực hiện, thời gian qua ngành thép phát triển mạnh với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, phát triển từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn. Ngành cung cấp đủ một số chủng loại sản phẩm thép cho nền kinh tế quốc dân như thép xây dựng, tôn mạ các loại và đã tham gia xuất khẩu. Toàn ngành đã tập trung đầu tư đổi mới thiết bị, áp dụng công nghệ tiên tiến, đầu tư xây dựng các nhà máy mới với quy mô phù hợp, nâng cao năng lực sản xuất của ngành. Ngành thép đã chú trọng đầu tư vào các dự án quy mô lớn, sản xuất các sản phẩm trước đây chưa có như thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội…