Nhận lương hàng chục triệu đồng nhưng nhân viên ngân hàng chịu khá nhiều áp lực. Ảnh:Anh Tú. |
Mức thu nhập bình quân thể hiện trên báo cáo tài chính có thể chưa phản ánh chính xác và công bằng thu nhập của từng cá nhân, nhưng phần nào cũng nói lên bức tranh tăng trưởng của mỗi ngân hàng trong ba năm qua
Trong ba năm từ 2014 đến 2017, hầu hết thu nhập bình quân của các ngân hàng đều tăng trưởng hai chữ số, phổ biến từ 30% đến 50%. Kết quả này cũng tương đồng với sự tăng trưởng về lợi nhuận của các nhà băng này sau ba năm.
Là ngân hàng đứng đầu hệ thống về lợi nhuận, thu nhập trung bình với mỗi nhân viên của Vietcombank cũng là con số "đáng mơ ước" với nhân viên nhiều ngân hàng khác.
Năm 2017, bình quân mỗi nhân viên Vietcombank đạt 32,3 triệu đồng tổng thu nhập, bao gồm lương, thưởng và các khoản hỗ trợ. Con số này tăng 71% so với mức thu nhập 18,9 triệu đồng năm 2014.
Trong khi đó, VietinBank - ngân hàng đứng đầu về thu nhập bình quân nhân viên 3 năm trước với 19,7 triệu đồng, đã tụt xuống vị trí thứ 3 tính đến năm 2017. Theo đó mỗi nhân viên nhà băng này đạt 25,2 triệu đồng thu nhập bình quân.
Tuy nhiên, kết quả này không phải do Vietcombank "ưu ái" nhân viên hơn so với VietinBank mà phần nào phản ánh sự chênh lệch về hoạt động của hai ngân hàng dẫn đầu. Trong 3 năm, quy mô nhân viên của Vietcombank tăng 15% còn VietinBank tăng 20%, nhưng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank tăng 68% còn VietinBank chỉ tăng 57%.
Tính ra, mỗi nhân viên của Vietcombank tạo ra gần 1,1 tỷ đồng lợi nhuận thuần (tăng 46% so với 2014) còn mỗi nhân sự VietinBank chỉ tạo ra 740 triệu đồng lợi nhuận thuần (tăng 30%).
Ở nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh, VPBank và ACB đang bám đuổi sít sao nhóm ngân hàng quốc doanh với thu nhập bình quân xấp xỉ 20 triệu đồng, trong khi Techcombank đã chen chân vào top đầu.
Trong 3 năm, thu nhập của mỗi nhân viên Techcombank từ vị trí thứ tư đã vươn lên thứ hai, chỉ sau Vietcombank. Năm 2017, bình quân thu nhập mỗi nhân viên ngân hàng này đạt 26 triệu đồng, tăng 44% so với trước đó 3 năm.
Kết quả này có được do sự tăng trưởng cao về hoạt động, nhờ đó quỹ lương của nhà băng này tăng đột biến so với sự mở rộng về quy mô nhân viên. Số lượng nhân viên của Techcombank chỉ tăng 13% trong 3 năm, nhưng tổng thu nhập của nhân viên tăng 60%, lên gần 2.600 tỷ đồng. Nhân viên Techcombank cũng đứng đầu về năng suất lao động khi tạo ra 1,41 tỷ đồng lợi nhuận thuần.
VPBank là một trường hợp đặc biệt khi ngân hàng có tốc độ tăng trưởng về hoạt động, cũng như quỹ lương cao nhất hệ thống, nhưng thu nhập của mỗi nhân viên nhà băng này lại ở nhóm tăng thấp nhất. Nguyên nhân chủ yếu do sự mở rộng về quy mô nhân viên VPBank cũng đứng đầu hệ thống.
Trong 3 năm, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của VPBank tăng hơn 6 lần, từ 2.588 tỷ lên 16.131 tỷ đồng. Quỹ tổng thu nhập nhân viên tăng gần 2 lần lên 4.800 tỷ đồng. Nhưng tổng số nhân viên của ngân hàng này cũng tăng hơn gấp đôi, từ 8.148 người lên hơn 20.600 người.
Theo đó, thu nhập bình quân mỗi nhân viên của ngân hàng này chỉ tăng 13% sau 3 năm, từ 17,1 triệu lên 19,4 triệu đồng.
Cũng thuộc nhóm ngân hàng có mức tăng thu nhập bình quân nhân viên dưới 20% còn có Eximbank, Sacombank hay KienLongBank. Ở nhóm giữa, BIDV, MB, SHB hay ACB có mức tăng thu nhập phổ biến từ 30 đến 45%.
Chỉ tiêu thu nhập bình quân trên báo cáo tài chính là tính trung bình của cả cấp quản lý lẫn nhân viên. Tuy nhiên, mức lương hai chữ số với một nhân viên ngân hàng hiện nay khá phổ biến.
Một lãnh đạo của ngân hàng cổ phần ở TP HCM từng chia sẻ, các nhân viên nhà băng năm qua đã làm việc căng thẳng, đặc biệt là nhân viên kinh doanh bị áp lực về doanh số. Còn nhân viên giao dịch, trực tiếp làm việc với khách hàng thì áp lực về giờ giấc. "Có nhiều lúc họ làm việc đến 8-9h tối chưa được về nhà nên mức thu nhập bình quân này không phải là cao", ông nói.